
Mặt hàng ngành nhựa Việt Nam đã có mặt ở 30 nước trên thế giới, giá trị xuất khẩu trong năm 2005 đạt 380 triệu USD, tăng 37% so với năm 2004. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) phải chịu thiệt thòi rất lớn vì đa phần, sản phẩm nhựa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đều phải thông qua kênh phân phối của các nước trung gian…
Năm 2006: Sẽ bùng phát xuất khẩu nhựa
So với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam thì con số 380 triệu USD đạt được trong năm 2005 của ngành nhựa còn khá khiêm tốn. Nhưng năm 2005, ngành nhựa lại là một trong những ngành có tăng trưởng xuất khẩu cao trên 30%. Bước chuyển này là cơ sở để ngành nhựa mở rộng, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thực tế giá trị xuất khẩu của ngành nhựa cao hơn nhiều, có thể nói là tăng gấp đôi nếu tính cả các sản phẩm gián tiếp phục vụ cho xuất khẩu các mặt hàng khác như gạo, cà phê, chè, tiêu, thủy sản…
Hiện nay, sản phẩm bao bì chiếm trên 80% sản lượng xuất khẩu của hàng nhựa Việt Nam. Sản phẩm nhựa tiêu dùng vẫn còn là tiềm năng để các DN đầu tư, mở rộng tìm kiếm thị trường. Trong đó, các thị trường Nam Phi, Đông Âu, Nhật Bản được xem là tiềm năng với nhu cầu cao và tương đối dễ tính hơn thị trường EU và Mỹ.
Tại hội chợ bao bì có quy mô lớn nhất thế giới vừa được tổ chức vào tháng 5-2005 tại Đức, một số DN nhựa Việt Nam đã có cơ hội tham dự. Qua lần “xuất ngoại” đầu tiên này, các DN cũng đã tiếp xúc được nhiều đối tác và xa hơn trong chuyến đi này chính là việc khẳng định thương hiệu nhựa “Made in Việt Nam” trên thị trường quốc tế.
Trước nay, phần lớn các sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam ở EU, Mỹ đều phải qua kênh phân phối của một nước trung gian. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho DN, bởi các sản phẩm XK qua trung gian không có mác “Made in Việt Nam”
Trước bước chuyển mới của ngành nhựa, các tập đoàn kinh tế của Hồng Công, Nhật Bản đã vào Việt Nam tìm hiểu, xúc tiến đầu tư, hứa hẹn khả quan cho thị trường nhựa xuất khẩu trong năm 2006. Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, sản lượng xuất khẩu trong năm 2006 sẽ tăng thêm 20% với gần 2 triệu tấn sản phẩm, giá trị đạt khoảng 500 triệu đô la.
Cơ hội để lấy lại nhãn hiệu “Made in Việt Nam”
Với những thị trường khó tính như Mỹ, EU, điều quan tâm trước tiên của họ là công nghệ sản xuất có hiện đại hay không? Đây cũng chính là tiêu chuẩn đặt ra cho các DN nhựa Việt Nam khi mở rộng XK, và đây cũng chính là phương tiện quan trọng để nắm bắt thị trường, ít nhất khoảng 30%-40% DN cần trang bị công nghệ để phục vụ XK.
Hiện nay, bao bì là sản phẩm XK thế mạnh, ngành nhựa đang có kế hoạch đẩy mạnh XK các sản phẩm phục vụ cho ngành kỹ thuật cao như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử. Và hơn hết chính là việc lấy lại nhãn hiệu “Made in Việt Nam” qua việc khẳng định sự lớn mạnh của DN và uy thế của ngành nhựa Việt Nam. Làm được điều này, Hiệp hội và Bộ Thương mại có vai trò rất lớn.
Hiện nay, Bộ Thương mại đã đưa sản phẩm nhựa vào 1 trong 12 sản phẩm ưu tiên xuất khẩu quốc gia cùng nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư trong năm 2006. Ông Nguyễn Đăng Cường cho biết thêm, Hiệp hội sẽ thành lập nhóm DN xuất khẩu riêng cho thị trường mỗi nước để các DN cũng như nhà đầu tư nước ngoài làm việc thuận tiện hơn.
Với chiều hướng tích cực như hiện nay, ngành nhựa Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư, mở rộng xuất khẩu, nâng tỉ lệ XK hàng năm lên cao. Qua đó, từng bước cân bằng hàng XK và hàng nội địa với mục tiêu đến năm 2010 sản lượng XK đạt 4 triệu tấn, doanh thu đạt 1 tỷ đô la.
MỸ HẠNH