Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng
Gần 1 tháng qua, dự án cải tạo sân bóng đá cỏ nhân tạo ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật (CĐKT) Lý Tự Trọng đã chính thức khởi công và tiếp tục gây thêm sự bức xúc của dư luận. Thay vì được vui chơi rèn luyện thể thao mọi lúc mọi nơi, từ nay học sinh - sinh viên của trường muốn chơi phải tốn tiền.
Theo hợp đồng liên kết cải tạo sân bóng đá được ký kết giữa Trường CĐ KT Lý Tự Trọng (bên A) và Công ty TNHH MTV DV-ĐT-TM Phong Sơn (bên B) thì bên A đồng ý cho bên B cải tạo, sử dụng mặt bằng sân bóng đá có tổng diện tích 8.000m2 trong sân trường. Giá thuê mặt bằng này 40 triệu đồng/tháng và sau mỗi hai năm tăng thêm 10% giá trị hợp đồng (tính ra mỗi mét vuông có giá thuê 5.000 đồng). Thời hạn thuê trong 6 năm và bên B được phép khai thác, sử dụng sân bóng đá ngoài giờ học của học sinh, sinh viên, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các lớp ngoại khóa, giảng dạy theo nhu cầu xã hội. Trong khi đó, bên A - Trường CĐKT Lý Tự Trọng chỉ được sử dụng một phần sân bóng đá theo tiết dạy quy định.
Với điều khoản bất lợi này, học sinh, sinh viên Trường Lý Tự Trọng chỉ được học đá bóng theo thời khóa biểu, còn ngoài thời gian học chính khóa, nếu có nhu cầu tập luyện thì phải đóng tiền và được “ưu ái” giảm tiền thuê sân từ 10% đến 30% tùy giờ trong ngày. Điều đáng nói ở đây là trong giờ hành chính thì hầu như học sinh, sinh viên phải học tập, thực hành nghề và chỉ có thể chơi bóng đá, rèn luyện thể lực sau giờ học, vào buổi chiều tối. Và quy định này đã tước đoạt quyền được vui chơi rèn luyện thể thao của các em ngay trong sân trường của mình(!?).
Với tổng số khoảng 6.000 học sinh và sinh viên của hai khối cao đẳng, THPT, nhu cầu có sân chơi và mở rộng các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể thao của Trường Lý Tự Trọng rất lớn. Vậy lý do gì, nhà trường lại đem sân chơi này đi kinh doanh trong khi luôn kêu ca thiếu mặt bằng?
“Do mặt bằng sân cỏ này rộng và nằm ngay mặt tiền đường Hoàng Văn Thụ nên có rất nhiều công ty, tổ chức nhòm ngó để thuê mướn, cải tạo thành sân bóng đá cỏ nhân tạo. Thế nhưng, chúng tôi kiên quyết không vì có thêm khoản tiền nhỏ mà đánh đổi cơ hội được vui chơi, được rèn luyện thể thao của các em” - ông Đỗ Kỳ Công - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐKT Lý Tự Trọng, bộc bạch như thế.
Giải thích với PV Báo SGGP về dự án liên kết cải tạo sân bóng đá cỏ nhân tạo này, ông Văn Công Sang, Hiệu trưởng Trường CĐKT Lý Tự Trọng, nói: “Trường đã xin ý kiến và được Sở GD-ĐT TPHCM chấp thuận về chủ trương nên mới thực hiện. Nếu không đầu tư cải tạo sân cỏ này thì nó gây bụi bặm và học sinh không có chỗ chơi…”.
Điều đáng đề cập ở đây là việc lấy sân trường cho tư nhân thuê có đúng với quy định về quản lý tài sản công? Tại văn bản số 5704/STC-CS, quy định việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật phải do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định. Như vậy, việc Sở GD-ĐT TPHCM ban hành văn bản số 812/GD-ĐT-KHTC ngày 24-4-2014 cho phép Trường Lý Tự Trọng liên kết để cải tạo sân bóng đá hiện hữu có đúng với thẩm quyền?
Một vấn đề cần nhắc lại ở đây là câu chuyện ngành GD-ĐT TPHCM phải giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng vì lý do thiếu mặt bằng để mở rộng, phát triển Trường CĐKT Lý Tự Trọng. Trong khi tập thể giáo viên, học sinh phải rơi nước mắt, khẩn thiết cầu xin giữ lại ngôi trường nằm trong khuôn viên nhỏ bé với diện tích 5.000m2, nhằm có thêm chỗ học cho học sinh nghèo thì ông hiệu trưởng lại dễ dàng cho thuê sân bóng rộng đến 8.000m2 (!?).
Có điều gì đó không bình thường ở đây và tại sao Sở GD-ĐT TPHCM lại cho phép lấy sân chơi của học sinh - sinh viên để cho đơn vị tư nhân khai thác, kinh doanh?
KHÁNH BÌNH