Tháng 5, sân trường phổ thông ngập nắng vàng, rực rỡ sắc màu hoa phượng đỏ. Và hơn thế nữa, ngoài nghi lễ bế giảng tôn vinh học trò giỏi, tài năng, ở nhiều sân trường còn lưu lại khoảnh khắc thiêng liêng đáng nhớ trong lễ trưởng thành - tri ân thầy cô, cha mẹ của học sinh khối 12.
“Cho chúng con nói lời tri ân”
“Kính thưa các đấng sinh thành! Đã 18 năm kể từ khi chúng con cất tiếng khóc chào đời, đã 18 năm cha mẹ cho đi bao yêu thương, chăm sóc mà không hề đòi hỏi được nhận lại bao giờ. Tuổi mới lớn có nhiều vụng dại nên không ít lần chúng con đã làm phiền lòng mẹ cha. Hôm nay, trong ngày lễ trọng đại của đời mình, tất cả chúng con cúi đầu xin các bậc sinh thành hãy rộng lòng tha thứ cho hết thảy những lỗi lầm trong quá khứ của chúng con. Thật ra, những đứa con của cha mẹ chẳng phải là những kẻ vô tâm, vô tình. Xin mẹ cha hãy dành một phút lắng nghe những trải lòng của con trẻ”. Đó là lời bộc bạch chân tình của tất cả học sinh lớp 12 Trường Nguyễn Thị Minh Khai TPHCM tại lễ trưởng thành và tri ân mới đây.
Khi nghe những lời tâm sự thấm đẫm tình cảm, dạt dào lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của con cái, nhiều bậc cha mẹ đã rưng rưng nước mắt. Họ xúc động vì mừng, vì nhìn thấy thành quả “trồng người” đã đến ngày hái trái. Mới hôm nào thôi, những đứa con bé bỏng, chập chững bước vào đời phải chăm bẵm, dìu dắt, giờ đã cứng cáp, trưởng thành. Với cảm nhận khác nhau, các em đã thấu hiểu đạo lý làm người, biết sẻ chia nỗi nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ, thầy cô - những người luôn quan tâm đến sự nghiệp học hành của học sinh. Không chỉ giãi bày bằng lời, nhiều em tri ân, thổ lộ tâm tình bằng ngôn ngữ trái tim qua từng trang thư. Gửi đến người bố vô vàn lời cảm ơn, Khuê Tú (lớp 12A11) bộc bạch: “Cảm ơn bố đã dạy con chơi đàn, dạy con đánh cờ, đánh cả cầu lông… Cảm ơn bố về những quyển sách hay mà bố đã giới thiệu cho con. Cảm ơn bố về những lần bố ngồi lặng im nghe con kể lể những rắc rối trong quan hệ bạn bè của con. Cảm ơn bố đã làm quân sư gỡ rối tơ lòng, làm quyển cẩm nang chỉ lối dẫn đường cho con trong cuộc sống…”.
Còn bạn Yến Nhi thì gửi gắm lời tri ân qua những dòng thư day dứt: “Mẹ ơi! Có một ngày con đi chơi cùng chúng bạn, đạp xe ngang công ty của mẹ. Mẹ biết con nhìn thấy gì không? Con thấy mẹ trong chiếc áo xanh đang cầm chổi quét ở sân sau, nhặt từng tấm các tông người ta vứt đi để về bán ve chai. Khi thấy cảnh đó con đã cúi mặt xuống, giấu mình sau lưng bạn. Con cúi mặt vì cảm thấy mình đã quá nhỏ nhen ích kỷ, chưa làm được gì cho mẹ nhưng đã bắt mẹ cực khổ quá nhiều. Kể từ ngày ấy, con ít đi chơi hơn vì con thấy thật bất công khi mình có thể đùa vui cùng bè bạn mà mẹ thì vẫn còn nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh”.
Với những ai còn mẹ trên đời thì hạnh phúc vẫn đong đầy. Khi nghe những dòng tâm sự từ lá thư không có tên người nhận của nữ sinh Phương Thảo lớp 12A13, nhiều học sinh nữ vỡ òa trong tiếng nấc, nước mắt lưng tròng. “Cũng bảy năm rồi mẹ nhỉ? Chắc giờ mẹ đang ở một nơi yên bình, hạnh phúc. Nơi mà mẹ không phải nhọc nhằn kiếm từng đồng ngoài chợ. Ngày trước, con biết mẹ buồn và hay suy nghĩ nhưng con chẳng làm được gì để sẻ chia cùng mẹ. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ con ôm mẹ, hôn mẹ hay nói cho mẹ biết là con yêu mẹ nhiều như thế nào. Con chỉ toàn lì lợm, bướng bỉnh và không nghe lời mẹ. Sao con ngốc thế? Giờ con thấy ghen tị với những đứa bạn có mẹ, được mẹ chở đi học, được ăn cơm mẹ nấu, được tâm sự với mẹ những điều thầm kín và còn bao nhiêu cái được nữa ở trên đời. Con luôn tự hỏi: Sao ông trời lại lấy đi người đã sinh ra con, để giờ đây con chẳng còn được nghe mẹ nói, con chưa kịp yêu thương mẹ và cũng chưa được mẹ thương yêu cho thỏa thích, mẹ ơi!”. Đó là nội dung bức thư gởi người mẹ đã khuất của Phương Thảo.
Cần thêm nhiều lễ tri ân
Không chỉ xúc động với những lời tạ lỗi, tri ân của con cái, phụ huynh cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc hơn khi đón nhận những bông hoa mà các con trân trọng cài lên áo. Chị Nguyễn Thị Hòa, mẹ học sinh Phương Uyên, nêu cảm nhận: “Dự buổi lễ ấn tượng này, phụ huynh chúng tôi cảm thấy con mình đã trưởng thành, tự tin từ lễ tri ân…”. Theo cô Phạm Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, từ khoảnh khắc đáng nhớ tại lễ trưởng thành - tri ân này, nhà trường hy vọng học sinh sau khi ra trường sẽ trưởng thành, chín chắn hơn trong cuộc sống. Ngoài kiến thức, kỹ năng sống được vun đắp từ mái trường, hành trang mà các em mang theo chính là những hạt giống tâm hồn - chất nhựa nhân văn của cuộc sống. Hiểu rõ tấm lòng hy sinh của cha mẹ và tâm huyết, kỳ vọng mà thầy cô dành cho mình, các em sẽ có thêm nguồn sức mạnh để vượt qua những cuộc đua tài sắp tới. Đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Ký ức của tuổi học trò sẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp và trong mỗi buổi lễ trưởng thành - tri ân, học sinh sẽ cảm nhận được nhiều điều có giá trị từ môi trường học đường thân thiện, giàu tính nhân văn. Hơn thế nữa, các em sẽ hiểu cuộc sống không chỉ biết nhận mà phải biết cho, biết cống hiến.
Khởi điểm từ các trường phổ thông ngoài công lập, đến nay lễ trưởng thành và tri ân đã lan truyền, thâm nhập vào nhiều trường phổ thông công lập ở TPHCM và trở thành nét đẹp văn hóa học đường. Khác với những lễ nghi bế giảng truyền thống, lễ trưởng thành và tri ân luôn mang đến nhiều xúc cảm lưu luyến, khoảnh khắc thiêng liêng đáng nhớ, đáng trân trọng của tình thầy trò, bạn bè và con cái với các đấng sinh thành, giáo dưỡng. Từ mảnh đất nhân văn giàu nghĩa, nặng ân tình này, những hạt giống tâm hồn sẽ phát triển tốt hơn, sống có ích hơn.
KHÁNH BÌNH