
Tiếp tục nêu ý kiến của các doanh nghiệp trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Báo Sài Gòn Giải Phóng, trong số báo lần này, chúng tôi trích đăng ý kiến của ông Phan Văn Kiệt, Giám đốc Điều hành Công ty May Việt Tiến, về các vấn đề nên làm để thúc đẩy xúc tiến thương mại trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ông Phan Văn Kiệt phát biểu tại Hội thảo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại-đầu tư do CLB Doanh nghiệp và Báo SGGP tổ chức. Ảnh: C.TH.
Việt Tiến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may, hai năm liền gần đây được bình chọn là Doanh nghiệp Tiêu biểu toàn diện ngành Dệt May Việt Nam. Hiện nay Việt Tiến có quy mô quản lý 31 đầu mối, gồm 14 xí nghiệp, 7 công ty và xí nghiệp liên doanh trong nước, 3 công ty cổ phần, 4 công ty liên doanh nước ngoài, 3 công ty hợp tác kinh doanh để kinh doanh đa ngành nghề, từ may mặc, sản xuất phụ liệu ngành may (nút, gòn, mex…) sản xuất và kinh doanh các thiết bị trong ngành may, dịch vụ hàng hải…
Thời gian gần đây, Việt Tiến đã thực hiện phát triển các dòng thương hiệu một cách khá bài bản. Đó là các nhãn hiệu được đăng ký độc quyền Viettien, Vee Sendy, Vie Laross. Trong đó, Viettien là nhãn hiệu thời trang dành cho công sở, như áo sơ mi, quần âu, quần ka-ki…;
Vee Sandy là nhãn hiệu thời trang dành cho giới trẻ với áo sơ mi, áo sơ mi body, áo thun thời trang và thể thao, quần jean, quần ka-ki, váy, short, bộ thể thao, đồ lót nam…; nhãn hiệu Vie Laross là nhãn hiệu thời trang dành cho hàng đồng phục học sinh, y tế, bảo hộ lao động và đồng phục cho các cơ quan xí nghiệp. Đến nay, Việt Tiến cũng có hơn 200 đại lý trải dài khắp cả nước chuyên bán các sản phẩm thời trang của mình.
Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi nhận thấy, để xây dựng một thương hiệu thành công và hoạt động xúc tiến thương mại thành công cần phải kết hợp được vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và báo chí, đây là ba yếu tố không thể thiếu. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng mà vai trò của doanh nghiệp là chủ lực. Doanh nghiệp phải có bước đi và cách làm hợp lý từ các hoạt động thiết kế sản phẩm, vốn và công nghệ, sản phẩm cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng thương hiệu mạnh, một yếu tố nâng cao giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong quá trình phát triển thương hiệu, vai trò hỗ trợ của nhà nước rất quan trọng. Nhà nước có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, giúp doanh nghiệp có được các thông tin về thị trường các nước. Nhà nước còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu mạnh, trong đó có hỗ trợ chuyên gia thực hiện khảo sát và đánh giá các điều kiện cần thiết để phát triển thương hiệu; quảng bá trên các kênh thông tin ngoại giao chính thức thông tin về doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện công tác xúc tiến phát triển thương hiệu.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, một yếu tố không thể thiếu để dẫn đến thành công là vai trò tuyên truyền của báo chí. Có thể nói, báo chí đóng góp rất lớn trong quá trình định vị thương hiệu, quảng bá thương hiệu, là phương tiện truyền tải giữa ý đồ của nhà sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Thương hiệu Việt Tiến trong thời gian qua có thể định vị tốt trên thị trường chính nhờ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các báo viết, đài phát thanh, đài truyền hình.
Từ những kinh nghiệm đã làm và kết quả đạt được, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp nên cố gắng liên kết ba nhà: nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà báo để thực hiện chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu thành công.
Ông PHAN VĂN KIỆT
(Giám đốc Điều hành Công ty May Việt Tiến)