Liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế được Bộ GD-ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đổi mới, phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Để các chương trình đạt được hiệu quả, bộ đã đưa ra nhiều quy định, hành lang pháp lý để các quản lý các chương trình. Tuy nhiên, với sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng cũng như nhu cầu thực tế, dường như các quy định của Bộ GD-ĐT chưa theo kịp với các “chiêu” lách luật cũng như xé rào khi thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài.
Nhiều chương trình ngoài luồng
Theo danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt vừa mới cập nhật, có 63/266 chương trình liên kết bị dừng tuyển sinh và hết hạn tuyển sinh. Trong khi đó, rất nhiều chương trình mà các trường đang tổ chức tuyển sinh, đào tạo lại không hề có trong danh sách các chương trình mà Bộ GD-ĐT đã cấp phép. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM (UEF) được Bộ GD-ĐT cấp phép cho liên kết với Trường ĐH Missouri-St Louis (Hoa Kỳ) ngành đào tạo Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính và đến nay đã hết hạn tuyển sinh.
Tuy nhiên, Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM vẫn thông báo “Hiện UEF hợp tác đào tạo với các trường ĐH lớn của Mỹ: ĐH Missouri, ĐH Webster - Phân viện tại Thái Lan, ĐH The Incarnate Word - Bang Texas, ĐH Central Oklahoma - Bang Oklahoma, ĐH Murray State - Bang Kentucky”.
Cũng theo danh sách của Bộ GD-ĐT, không có trường ĐH nào của Việt Nam liên kết đào tạo với Trường ĐH Carnegie Mellon. Tuy nhiên, thực tế có 2 trường là ĐH Duy Tân và ĐH Văn Lang TPHCM liên kết với Trường ĐH Carnegie Mellon tuyển sinh đào tạo từ năm 2008 đến nay.
Lý giải về tại sao chương trình chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép nhưng vẫn tuyển sinh, đại diện hai cơ sở đào tạo trên cho rằng: “Do đây là chương trình hợp tác đặc biệt, hai trường tại Việt Nam phải bỏ tiền mua bản quyền chương trình đào tạo của Trường ĐH Carnegie Mellon, dạy theo đúng chương trình và sự giám sát chặt chẽ của đối tác. Chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ GD-ĐT và phải xin phép cả Bộ Khoa học - Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ, bản quyền chương trình đào tạo”.
Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, các quy định hiện hành về liên kết đào tạo với nước ngoài không có quy định nào đề cập đến vấn đề mua bản quyền chương trình đào tạo và Bộ GD-ĐT lại đứng ngoài cuộc ở khâu quản lý chuyên môn.
Nhiều phụ huynh sau khi biết con theo học chương trình đào tạo "chui" đã đến trường làm rõ trắng đen.
Trong năm 2013, Thanh tra Chính phủ tổng kiểm tra quy mô lớn 118 chương trình của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18 trường ĐH của Việt Nam, xác định nhiều vi phạm. Theo đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM liên kết với TEG International College Pte Ltd (Singapore) và Trường ĐH Texas (khóa 1), Trung tâm Công nghệ Thông tin Kovit (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) liên kết ĐH Woosong (Hàn Quốc) chưa có giấy phép của Bộ GD-ĐT. Chưa hết, trong 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐH Quốc gia Hà Nội có đến 16 chương trình không có thủ tục xác định tư cách pháp nhân, 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định.
Cho một đằng làm một nẻo
Thực tế rất nhiều cơ sở đào tạo khi được Bộ GD-ĐT cấp phép thực hiện liên kết đào tạo đã tìm mọi cách để xé rào như bỏ qua điều kiện đầu vào, liên kết tay ba, không nộp thuế…
Trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Trường ĐH Mở TPHCM, nhiều học viên trúng tuyển thiếu điều kiện yêu cầu về kinh nghiệm công tác, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ hoặc không đúng theo yêu cầu. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp thiếu cả hai điều kiện về ngoại ngữ và kinh nghiệm. Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM liên kết với Trường ĐH Help (Malaysia) đào tạo thạc sĩ. Tuy nhiên, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM lại đem chương trình này liên kết với Viện Nghiên cứu kinh tế tài chính và đào tạo tại quận 10. Trước đó, chương trình trên đã được Bộ GD-ĐT cấp phép cho Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng cũng làm sai. Sau khi Báo SGGP phản ánh về việc liên kết đào tạo “chui”, Bộ GD-ĐT đã cho ngưng liên kết và ngay sau đó chương trình này được cấp phép liên kết với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM.
Theo Quyết định 999 (ngày 2-3-2011), Bộ GD-ĐT cho phép Hội Khuyến học Việt Nam liên kết đào tạo với Trường ĐH Nam Columbia (Hoa Kỳ) đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Trong quyết định, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, đơn vị này chỉ được “giới thiệu, tư vấn hỗ trợ đào tạo các khóa đào tạo từ xa”. Tuy nhiên, thực tế đơn vị thực hiện hoàn toàn khác. Tại TPHCM, đơn vị này tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) do Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thực hiện.
Trong vai người có nhu cầu học thạc sĩ, chúng tôi được một nữ nhân viên tại trung tâm trên tư vấn: “Anh tốt nghiệp ĐH có bằng chưa hay có bảng điểm chưa. Nếu có chứng chỉ ngoại ngữ thì có thể đăng ký ngay để kịp học khóa 33 trong tháng 7 này. Học phí là 8.600 USD và trong thời gian 18 tháng (1,5 năm)”. Khi chúng tôi thắc mắc về hình thức học từ xa hay học dạng tập trung thì nhân viên này nhanh nhẹn trả lời: “Dạ học tập trung 1 tuần 2 buổi (vào thứ ba và thứ sáu), đồng thời kết hợp với dạy từ xa qua mạng anh ạ”.
Trong đợt thanh tra mới đây, hàng loạt trường cũng lại có vấn đề trong liên kết đào tạo với nước ngoài. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có đến 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ theo học chương trình liên kết với Hội đồng Liên đại học Cộng đồng Pháp ngữ (CIUF).
Tại Trường ĐH Luật TPHCM, một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Còn chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã thực hiện 20 năm nhưng cũng không làm thủ tục gia hạn, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp. Trong đó, khóa 18 có đến 100% học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ. Chưa hết, chương trình liên kết với ĐH Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân Kinh doanh (năm 2012) có 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
THANH HÙNG