Trang trại, doanh nghiệp

Liên kết để tạo sức mạnh

Liên kết để tạo sức mạnh

Tại buổi tọa đàm phát triển kinh tế nông nghiệp trước thềm WTO do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TPHCM vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân VN Vũ Ngọc Kỳ cho rằng, với khoảng 14,6 triệu hộ nông dân, chiếm hơn 70% dân số, nông thôn là thị trường tiêu dùng và là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu rộng lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng khi hội nhập, thách thức lớn nhất chính là khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp ngay trên sân nhà do ngành nông nghiệp còn mang tính chất riêng lẻ, nhỏ và tự phát, thiếu sự hợp tác.

Hóa giải bài toán tiện ích và chất lượng đồng đều

Liên kết để tạo sức mạnh ảnh 1
Trang trại trồng lan cắt cành của anh Trần Văn Bạch (TPHCM), một trong những trang trại đi đầu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng mới của TP.

Thời gian qua, nông thôn cả nước hình thành nhiều vùng chuyên canh, góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để xuất khẩu, như vùng lúa chuyên canh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng cà phê ở Tây Nguyên, vùng hồ tiêu, hạt điều ở Đông Nam bộ, vùng cây ăn trái ở ĐBSCL và Đông Nam bộ, vùng chuyên về nuôi trồng thủy sản ven biển miền Trung và Nam bộ…

Từ những vùng chuyên canh này, hình thành khá nhiều trang trại trong số khoảng 100.000 trang trại cả nước, với tổng diện tích hơn nửa triệu hécta, trong đó, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 30% diện tích, riêng người dân TPHCM làm trang trại ở các tỉnh chiếm hơn 10% diện tích (bình quân 30-40 ha/trang trại). Nhưng những điều đó chưa thể đảm bảo thế đứng vững chắc khi hội nhập, do năng suất lao động chưa cao, chất lượng sản phẩm thấp và nhất là không đồng đều, sản lượng chưa ổn định, do còn bị cuốn theo các phong trào trồng hay nuôi một cây, con nào đó… Đây là điều hạn chế lớn nhất của những người làm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho rằng người làm trang trại và nông dân vẫn còn vất vả, khó khăn dù nằm ở nơi được mệnh danh là vựa lúa, mỏ tôm… vì thời gian qua nhà nước tập trung nhiều vào khâu khuyến nông để sản xuất, chưa chú trọng đầu tư vào kênh phân phối sản phẩm.

Bà con nông dân, kể cả trang trại, chỉ biết bán sản phẩm qua thương lái, với cách thu mua dễ dàng, không cần chất lượng đồng đều – một kiểu buôn bán tiện ích, nhưng kèm theo đó là không có sản phẩm tốt. Muốn thay thế vai trò của thương lái và nhất là tạo cho bà con thói quen chú trọng đến chất lượng và độ đồng đều sản phẩm, cần có một hệ thống khác thay thế, ưu thế hơn so với cách mua bán lâu đời.

Giải quyết mâu thuẫn này chính là thách thức và cũng là cơ hội của nhà kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Xúc tiến kênh bán hàng tiện ích hơn hệ thống thương lái hiện có sẽ giải quyết bài toán thất thoát sau thu hoạch và chất lượng nông sản. Trong đó, vai trò của hiệp hội góp phần lớn vào việc giải quyết bài toán này.

4 vai trò của trang trại thời hội nhập

“Trong cùng một hiệp hội có trang trại sản xuất, có doanh nghiệp chế biến, có doanh nghiệp lo đầu vào hay đầu ra của nông sản. Đó là điều kiện để hỗ trợ nhau trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩn và thương hiệu của nhau. Tất nhiên, hiệp hội không thể giải quyết hết mọi việc, nhưng đó là một cách giúp chúng ta thắng bước đầu trên sân nhà”.

LÊ DUY MINH
(Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại TPHCM)
 

5 năm sau khi có Nghị quyết 3 của Chính phủ về kinh tế trang trại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Trang trại đã góp phần khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất không chỉ ở đồng bằng mà cả vùng sâu, vùng xa, ở miền núi, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, giải quyết lao động tại chỗ (bình quân 6,2 lao động/trang trại), tạo vùng sản xuất tập trung với lượng hàng hóa lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản phát triển, huy động được tiềm năng vốn trong dân, không ỷ vào Nhà nước.

Chính phủ xác định kinh tế trang trại là thành phần quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp và là nhân tố làm đột phá, tạo bước đi thích hợp để chuyển từ nông nghiệp tự túc sang nền nông nghiệp hàng hóa.

Theo ông Lê Duy Minh, Phó chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TPHCM, để có thể hội nhập vào sân chơi lớn (WTO), trang trại có 4 vai trò cụ thể, đó là đi đầu trong việc ứng dụng KHKT, sử dụng hiệu quả đất đai và lao động, sản xuất gắn với tiêu thụ và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường. Trước thử thách gay gắt và cũng là thời cơ khi gia nhập WTO, việc đầu tiên và cũng là khâu yếu nhất cần khắc phục của các trang trại là phải tập hợp lại trong một tổ chức, để giúp nhau tạo sức mạnh, bảo vệ lẫn nhau khi ra biển lớn - WTO.

ĐÔNG NGHI


Tin cùng chuyên mục