Liên kết tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hợp tác xã phát triển

Cùng với các chính sách xúc tiến thương mại hợp tác khu vực kinh tế, TPHCM và các địa phương phía Nam đang triển khai nhiều giải pháp liên kết tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX).
Mô hình Co.op Smile thuộc Saigon Co.op
Mô hình Co.op Smile thuộc Saigon Co.op

Việc này nhằm góp phần xây dựng mô hình HTX kiểu mới, giải quyết những bứt thiết cũng như khó khăn trong vấn đề phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại tự do.

Thống kê tại TPHCM có 569 HTX, trong đó có 456 HTX đang hoạt động và 113 HTX ngưng hoạt động chờ giải thể. Ngoài ra, tại thành phố còn có 5 liên hiệp HTX đang hoạt động và 3 liên hiệp HTX ngưng hoạt động và chờ giải thể. Riêng tổng số tổ hợp tác (THT) là 2.053 đơn vị. Hầu hết các THT đều có quy mô nhỏ, hoạt động đa dạng lĩnh vực như trồng rau, làm bánh tráng, chăn nuôi… Trong thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã được củng cố và tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có những bước chuyển đổi nhanh chóng để thích nghi như kết hợp hoạt động sản xuất, thương mại nông nghiệp với dịch vụ. Đơn cử, các HTX đã cung cấp hàng hóa như sản phẩm, dịch vụ cây cảnh, cá cảnh, chăn nuôi, thủy hải sản… Đặc biệt, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn TPHCM còn chủ động mở rộng hoặc liên kết với các HTX hoạt động trong cùng lĩnh vực ngành nghề ở địa phương khác để hình thành nên những phương thức hoạt động đa ngành, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, các HTX nông nghiệp từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng, tiêu chuẩn để bán ra thị trường và phân phối vào các kênh bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tại tỉnh này có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận như làng nem Lai vung, làng hoa Tân Quy Đông, làng bột Sa Đéc, làng chiếu Định Yên… Để giữ gìn và phát huy các giá trị sản phẩm làng nghề, người dân, các HTX, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực đổi mới sáng tạo để tăng thêm giá trị cho các mặt hàng nông sản, đặc sản. Sau nhiều năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa tỉnh Đồng Tháp và TPHCM đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó lượng lớn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Đồng Tháp đã được tiêu thụ tại thị trường TPHCM và thị trường cả nước. Ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, buổi tọa đàm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh Đồng Tháp với các doanh nghiệp phân phối của TPHCM vừa tổ chức cuối tháng 4-2018, không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mà còn mang lại cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao kỹ thuật để hoạt động sản xuất tốt hơn, cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp chủ động hội nhập thị trường thương mại tự do.

Không chỉ là nhà bán lẻ thuần Việt, Liên minh HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) còn là một trong những HTX tiêu biểu của TPHCM. Năm 2014 đánh dấu bước chuyển mình của Saigon Co.op sang giai đoạn mới và hoạt động theo Luật HTX sửa đổi. Với tầm nhìn và chiến lược trong 5 năm tới (2014 - 2019), Saigon Co.op phấn đấu duy trì vị trí “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam”. Trong đó, Saigon Co.op luôn tập trung thực hiện chính sách mua hàng ưu tiên dành cho doanh nghiệp là nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, cơ sở làng nghề, HTX... tại địa bàn cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài ra, hiện nay hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã vượt con số hơn 500 điểm bán trên cả nước, với các thương hiệu như Co.opmart, Co.opXtra, Sense City, Co.op Food, Co.op Smile, Co.op, cửa hàng Bến Thành, Sense Market… Từ đó, hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước luôn được nhà bán lẻ này ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày; hỗ trợ các doanh nghiệp hàng Việt quảng bá sản phẩm mới bằng các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, để đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại nói chung, Saigon Co.op nói riêng, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần đảm bảo tính năng và số lượng sản phẩm có thể đáp ứng nhanh một phân khúc khách hàng nhất định. Đối với hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ cần đáp ứng yêu cầu thủ tục đầu vào dựa trên những quy định của nhà nước, gồm giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, hồ sơ công bố chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng... 

Đồng hành cùng các HTX, liên minh HTX, THT trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho hay thành phố đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền chủ trương, pháp luật phát triển khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển. Đồng thời, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế thành phố. Chủ động khơi thông nguồn vốn vay và trợ vốn cho các xã viên của HTX, THT nhằm hướng đến mục tiêu phát triển mới 1.500 THT, 175 HTX, 10 liên hiệp HTX vào năm 2020. Cụ thể, trong thời gian tới, TPHCM sẽ sớm triển khai mô hình HTX tiêu dùng trên cơ sở phát triển Saigon Co.op và mô hình HTX chợ kiểu mẫu mới. Từ đó, vận động tiểu thương trở thành thành viên của HTX. HTX sẽ nghiên cứu và phát triển những hoạt động kinh doanh khác để tăng nguồn thu, mang lại lợi ích kinh tế cho thương nhân và tiểu thương thông qua hình thức giao dịch với HTX. Song song đó, TP sẽ triển khai nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các HTX, liên hiệp HTX, THT, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp để góp phần thúc đẩy sự liên kết giữa HTX, liên hiệp HTX, THT với những doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, trợ vốn… Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể đạt 10%/năm, thu hút thêm 50.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể.

Tin cùng chuyên mục