
Đó là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM. Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt chứng minh, tiết kiệm năng lượng đối với một thành phố lớn như TPHCM có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm lượng phát thải. Trung bình mỗi ngày TPHCM sử dụng hơn 20 triệu KWh điện. Chỉ một phần trong số điện này được tiết kiệm, không phải chỉ có thêm nhiều người được dùng điện mà quan trọng hơn nữa sẽ giúp tiết kiệm năng lượng sản xuất ra điện, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát thải ra môi trường…
Hiện nay TPHCM đã có nhiều chương trình nhằm tiết kiệm điện như các chương trình của ngành điện lực, của trung tâm tiết kiệm năng lượng… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực còn nhiều tiềm năng trong việc tiết kiệm điện. Thay thế đèn chiếu sáng sử dụng điện năng ở các tuyến đường bằng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời là một ví dụ. Ở nhiều nước, chính quyền tiến hành xã hội hóa, giao cho một doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai công tác này. Lợi nhuận từ lượng điện tiết kiệm sẽ được chia cho Nhà nước và doanh nghiệp theo tỷ lệ thỏa thuận. TPHCM hoàn toàn có thể nghiên cứu, áp dụng phương pháp tiết kiệm điện nêu trên.

Thay đèn dây tóc bằng đèn compact tiết kiệm điện cho người dân. Ảnh CAO THĂNG
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, hiện nay dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã sang TPHCM, phối hợp với các doanh nghiệp ở Việt Nam thực hiện nhiều dự án đốt rác. Trước mắt đã có 2 nhà máy đốt rác do Nhật Bản giúp đỡ xây dựng đang được triển khai với công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày. Đốt rác không những xử lý hoàn toàn lượng rác thải, không phải tốn đất chôn lấp mà còn làm giảm được lượng khí phát thải do hoạt động chôn lấp phát ra.
Tái sử dụng nước thải sau khi đã được xử lý làm sạch là một trong những mục tiêu mà TPHCM đang đeo đuổi. Hiện nay, nước thải sau khi được xử lý thường được đổ trở lại vào hệ thống sông, kênh, rạch TPHCM. Điều này là lãng phí khi mà lượng nước thải được xử lý mỗi ngày lên tới khoảng 700.000m3 nên TPHCM đang nghiên cứu đưa lượng nước sạch (đã xử lý xong) vào tái sử dụng trong một số lĩnh vực phù hợp. Phát triển tòa nhà xanh với thiết kế xanh và được phủ xanh bởi cây xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu, an toàn, bền vững nhất trong việc giảm nhiệt cho TPHCM nói chung và từng tòa nhà nói riêng. Lĩnh vực quan trọng này, không quá khó để triển khai, song rất tiếc lại chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ cần TPHCM có chính sách vận động và hỗ trợ cần thiết là có thể thực hiện được. Không khí thành phố mát mẻ, mỗi tòa nhà mát mẻ, người dân sẽ bớt phải dùng máy lạnh và các thiết bị điện điều hòa nhiệt độ, đỡ thải ra môi trường khí nóng từ các thiết bị này cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường…
Còn rất nhiều lĩnh vực có thể nỗ lực làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Thích ứng với biến đổi khí hậu không phải chuyện quá xa tầm tay của mọi người. Chỉ cần nỗ lực mỗi ngày một chút là ta có thể làm được. TPHCM là một trong những thành phố được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nếu công dân thành phố không hành động thì ai sẽ cứu mình?
TÂM ĐỨC