Lỗ hổng

Việc Bộ GD-ĐT ra quyết định đình chỉ hoạt động và xử phạt 4 đơn vị liên kết đào tạo quốc tế tại TPHCM đã cảnh báo sự “hên - xui” khi theo học các chương trình liên kết đào tạo quốc tế mà có người ví von giống như ta cầm con dao hai lưỡi. Và rõ ràng khâu quản lý của chúng ta có vấn đề, vừa lỏng lẻo vừa thiếu trách nhiệm trong tất cả các công đoạn từ tiền kiểm đến hậu kiểm.

Người ta không thể lý giải tại sao các đơn vị như AVIS, Raffles, ERC, Melior… tuy chỉ là công ty nhưng lại được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đầu tư “vô tư”, trong đó có cả việc cho “đào tạo đại học và sau đại học”. Cùng với giấy phép kinh doanh này, chỉ cần thêm giấy phép đào tạo nghề do Sở LĐTB-XH TPHCM cấp là những đơn vị này tung hoành thuê mướn địa điểm, tổ chức quảng cáo, tuyển sinh luôn các hệ cao đẳng, đại học và thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ. Và cứ thế, với đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT, là thí sinh trở thành sinh viên với học phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí có em đóng tới 400 - 500 triệu đồng/khóa học. Tuy nhiên, tất cả từ chương trình đến các hoạt đồng giảng dạy đều thuộc loại “ngoài luồng”.

Trong khi đó, theo quy định, bản thân công ty, doanh nghiệp và kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học. Vậy mà từ cơ quan quản lý địa phương đến cấp quản lý cao hơn lại thiếu sự phối hợp và dường như còn quá nương tay với những sai phạm có tính chây lỳ thế này. Vi phạm của các đơn vị này diễn ra trong một thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý mà cụ thể là Sở LĐTB-XH TPHCM (đơn vị chủ quản các trung tâm đào tạo nghề), Sở GD-ĐT TPHCM (quản lý các trường, trung tâm đào tạo ngoại ngữ), cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM lại “không thấy” vì thiếu sự phối kiểm.

Chính từ lỗ hổng trong cách quản lý của các cấp có liên quan đã tạo kẽ hở để các đối tác nước ngoài cũng như những đơn vị liên kết với nước ngoài tận dụng. Và từ đây, hậu quả và thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về người học. Mất tiền, mất thời gian, ảnh hưởng tâm lý là những hệ lụy mà hàng ngàn sinh viên, học viên hiện nay phải đối mặt. Với những sinh viên muốn chuyển tiếp du học hay lấy lại tiền học phí là điều quá đơn giản. Tuy nhiên, những học viên đã nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngoài luồng này đang công tác tại các cơ quan, tổ chức sẽ được giải quyết ra sao nếu Bộ GD-ĐT không công nhận giá trị của những loại văn bằng này.

Và việc xử phạt lần này của Bộ GD-ĐT là đúng người, đúng tội. Song các đơn vị quản lý tại TPHCM cần có trách nhiệm giám sát các đơn vị vi phạm để kịp thời có hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục