Đó là thông tin được nêu ra tại hội nghị quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tổ chức ngày 7-10 tại Hà Nội.
Theo Bộ NN-PTNT, để ngăn ngừa các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, tự phát gây ra, cách đây 7 năm, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tổ chức quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chuyển đổi dần sang quy mô và hình thức công nghiệp hiện đại. Thế nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới có 37 tỉnh phê duyệt được đề án quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm, còn lại 26 địa phương vẫn chưa hoặc mới đang có chủ trương quy hoạch.
|
Theo bà Thu, điều đáng buồn là tại nhiều nơi tuy rất nỗ lực thu hút đầu tư và triển khai các dự án xây dựng khu, điểm giết mổ gia súc gia cầm tập trung, quy mô công nghiệp nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Như tại Hà Nội, hiện đã xây dựng xong 18 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sản phẩm chỉ bán được cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn và bếp ăn tập thể.
Tại các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang… nhiều doanh nghiệp tư nhân đã nhảy vào đầu tư xây dựng khá nhiều cơ sở giết mổ heo và gia cầm tập trung nhưng hiện đang hoạt động cầm chừng, hoặc đã đóng cửa do đầu ra của thịt sạch không thuận lợi.
Còn tại Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bùi Như Ý cho biết, mặc dù Công ty cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam đã đầu tư một dây chuyền giết mổ công suất 500 con gia cầm/giờ nhưng hiện cả tuần chỉ “khởi động” 1-2 lần, mỗi lần khoảng 300-500 con vì không tiêu thụ được sản phẩm, không cạnh tranh được với 1.100 lò giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động “chui” có mặt ở khắp địa bàn dân cư.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hiện tại cả nước vẫn còn tới 22.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi tại các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt ở TPHCM và khu vực Đông Nam bộ triển khai khá tốt việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc gia cầm (khoảng 88,72% thịt được kiểm tra kiểm soát), toàn vùng đã xây dựng được 352 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo cho ra thị trường dòng sản phẩm thực phẩm sạch thì tại các địa phương miền Bắc, hiện mới chỉ kiểm soát được 8,05% trong số 11.485 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 59 cơ sở giết mổ tập trung hoặc bán công nghiệp.
Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm ở các địa phương miền Bắc rất đáng báo động.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phải được kiểm soát và đưa vào nền nếp. Công tác quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm cần phải làm ngay, không để chậm trễ. Đây là việc có liên quan trực tiếp đến bữa cơm của từng gia đình. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa có quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm phải khẩn trương xây dựng và hoàn thành trước 31-3-2013. Các địa phương đang chuẩn bị quy hoạch này hoàn thành trước 31-12-2012.
UBND TP Hà Nội khẩn trương giao chỉ tiêu cho các quận, huyện nhằm xóa dần và giảm các điểm giết mổ nhỏ lẻ tại khu dân cư. Đồng thời, 12 địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Công an kiểm soát, kiểm dịch giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.
| |
Phúc Hậu