Cuối tháng tư, bạn rủ đi một chuyến xa nhà vào miền Trung. Thực ra trong lòng muôn phần ái ngại. Không chỉ miền Trung là mảnh đất gian khó đã ăn sâu vào tiềm thức thị dân lâu đời mà còn bởi với riêng mình, nó là nơi gắn với rất nhiều kỷ niệm thời gian lao vất vả. Nhưng bạn đưa ra một lý lẽ khó lòng từ chối, các ông ở phố quanh năm thì ngày nghỉ cũng nên du hí đường xa nhường lại phố phường cho bà con lân cận thăm thú chơi bời! Cũng chẳng phải vì tinh thần tương ái cao sang, chỉ là người thành phố mấy năm nay bắt đầu có nỗi lo cận kề những dịp lễ tết. Chật chội chen chúc và nơm nớp những chuyện ứng xử khác thường.
Gần 40 năm trước, lũ thanh niên bọn mình háo hức đi chuyến xe lửa xuyên Việt đầu tiên. Sinh viên chỉ mang theo đồ nghề học tập, hai bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải. Tất tật đựng trong chiếc ba lô con cóc của lính. Thế là lên đường. Vé tàu chỉ có một hạng. Lên tàu tùy ý đứng, ngồi, nằm. Ghế tàu nan gỗ từ thời Pháp thuộc mòn vẹt. Rệp lang thang hút chích khắp trong người mẩn ngứa từng đám bằng quân bài. Đám con buôn đường sắt giàu kinh nghiệm tàu xe lúc ấy còn biết mà chuẩn bị tấm ni lông trải lên ghế ngồi ngăn rệp. Nhưng cũng chính vì thế mà sinh viên nghèo trở thành bữa đại tiệc của rệp suốt năm ngày đêm tu tu xình xịch.
Vài tháng sau trở ra Bắc, mấy đứa bạn mình có bà con trong ấy bày cho cách “gỡ” tiền tàu. Dặn dò tỉ mỉ mua gạo ở ga nào, mua cau ở ga nào và bán ở ga nào. Nhưng lại có chuyện không lường xảy ra. Cau mua ở Tam Kỳ mang ra đến Nghệ An nhiễm gió Lào chín vàng rụng. Về đến ga Thanh Hóa, có toán người mua cau leo lên tàu ngắm nhìn ngán ngẩm. Họ bảo đám sinh viên xách hộ cau xuống sân ga thì sẽ mua hết. Trình độ đại học năm thứ ba mà không đứa nào xách nổi buồng cau. Cứ dợm nhấc lên là quả cau nằm lại trên giá lổm ngổm bò. Những cuống cau quều quào như mớ chổi cũ chổng ngược.
Thoắt cái gần bốn mươi năm. Bạn bè đã về hưu gần hết. Nhưng vẫn có một điều rất lạ. Suốt ngần ấy năm không đứa nào còn đặt chân lên tàu hỏa thêm một lần nữa. Kể cả mình. Thế nhưng lo xa lo gần mỗi lần cất bước xa nhà là thói quen vẫn chưa thể bỏ được. Loay hoay định cất khăn mặt bàn chải vào túi lại chợt nhớ ra bây giờ nhà nghỉ khách sạn nào chẳng có sẵn. Không có cũng dễ dàng sai nhân viên đi mua hộ. Giờ chỉ phải lo mang theo những thứ thật cần thiết. Nhưng chẳng hiểu sao vẫn đầy chặt túi. Hai bộ sạc và máy ảnh, điện thoại. Thuốc men 5 loại uống hàng ngày. Vài bộ quần áo ngắn nhưng vẫn phải kèm theo chiếc áo thun dài tay phòng lạnh. Cái lạnh miền Trung chưa thể coi thường. Lại cũng phải xách theo chai rượu tuy rẻ tiền nhưng khó kiếm, đặc biệt là ở miền Trung.
Lên đường cao tốc từ trong nội thành nhằm phía Nam thẳng tiến. Bảy giờ tối có mặt ở khách sạn cao tầng bên cầu Nhật Lệ - Quảng Bình. Bữa tiệc trên nhà nổi bến sông Nhật Lệ cứ như chỉ đợi riêng mình. Tròng trành sóng nước, tròng trành men say. Cửa sổ khách sạn nhìn thẳng ra cây cầu trang trí đèn hoa nhấp nháy suốt đêm. Sóng wifi khách sạn đủ mạnh. Thức dậy lúc 2 giờ sáng tha hồ ngắm nhìn phố phường bâng khuâng gió và lướt web như ở nhà.
Màu cát trắng miền Trung đã hoàn toàn biến mất hai bên quốc lộ. Xanh om những thửa ruộng và nhà cửa cây cối kéo dài suốt đến tận chân đèo Hải Vân. Những làng chài trong phá Cầu Hai, vịnh Lăng Cô chỉ còn thưa thớt bóng thuyền. Những resort mọc lên lộng lẫy êm đềm bên hùng vĩ dáng núi xô ra biển.
Những ruộng lúa chín vàng trải hết tầm mắt vùng Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình kéo vào đến tận Tam Kỳ chang chang nắng. Những thị trấn ven đường rực rỡ cờ và hoa mừng ngày thống nhất. Rực rỡ gương mặt người trẩy về Đà Nẵng đón xem hội pháo hoa. Rất lâu rồi mới có lại cảm giác lâng lâng đắm chìm trong nhộn nhịp đất trời.
Đỗ Phấn