Loay hoay tiếp cận vốn Nghị định 67

Mặc dù Nghị định 67 của Chính phủ đã có hiệu lực 2 năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này việc tiếp cận nguồn vốn đóng mới, cải hoán tàu của nhiều ngư dân gặp khó khăn. Vì thế, mục tiêu đóng mới tàu vươn khơi của một số địa phương khó đạt.
Loay hoay tiếp cận vốn Nghị định 67

Mặc dù Nghị định 67 của Chính phủ đã có hiệu lực 2 năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này việc tiếp cận nguồn vốn đóng mới, cải hoán tàu của nhiều ngư dân gặp khó khăn. Vì thế, mục tiêu đóng mới tàu vươn khơi của một số địa phương khó đạt.

Không đạt chỉ tiêu đóng mới tàu

Nghị định 67 được ban hành nhằm thúc đẩy hoạt động đánh bắt xa bờ phát triển bền vững, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ ngày triển khai dự án, ngư dân miền Trung vui mừng khôn xiết. Ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), bày tỏ:  “Nghị định 67 ra đời đáp ứng được mong mỏi bấy lâu nay của ngư dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung”.

Hạ thủy một tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vay theo Nghị định 67

Theo kế hoạch, tính đến cuối năm nay, Khánh Hòa sẽ đóng mới 175 tàu, trong đó có 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn theo Nghị định 67. Thế nhưng đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 5 tàu cá đóng mới và 2 tàu cá nâng cấp đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, địa phương này đang triển khai đóng mới 5 tàu vỏ vật liệu mới (composite). Theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 8-2016, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách 45 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán với tổng nhu cầu vốn vay là hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ngân hàng được chỉ định cho vay vốn theo Nghị định 67 chỉ mới giải ngân được 37 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 số vốn dự kiến cho vay. Thực tế một số ngư dân bỏ cuộc vì thủ tục vay vốn quá khó.

Tương tự, kế hoạch của tỉnh Phú Yên đề ra đến cuối năm 2016 sẽ có 170 tàu cá của tỉnh được đóng mới, công suất bình quân trên 400 CV trở lên. Thế nhưng, hiện toàn tỉnh chỉ có tổng cộng 33 tàu đóng mới, trong đó 16 tàu được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho vay vốn, 17 tàu của ngư dân tự lo vốn. Riêng 107 tàu đã được cải hoán đều không vay được vốn ngân hàng, ngư dân phải tự lo, đạt 23% so mục tiêu đề ra là 465 chiếc. Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nguyên nhân chính là ngư dân không đủ phần vốn đối ứng theo yêu cầu từ phía các ngân hàng thương mại. Việc tổ chức sản xuất trên biển cũng có những bất cập, mặc dù các tàu đã hoạt động theo tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nhưng chưa có tàu dịch vụ hậu cần đi cùng nên làm hạn chế thời gian bám biển của tàu khai thác, dẫn đến hiệu quá không cao. Ngoài ra, một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc thẩm định, phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện vay để trình lên UBND tỉnh phê duyệt.

Vay vốn ngân hàng quá khó

Mới đây, tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ việc tiếp cận nguồn vốn vay Nghị định 67. Theo Ban chỉ đạo 67 tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này hiệu quả chưa như mong đợi. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng vướng mắc nhất là việc tiếp cận vốn vay của ngư dân do khâu thẩm định của các ngân hàng còn chậm trễ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Khánh Hòa có 57 hồ sơ vay vốn của ngư dân bị các ngân hàng trả lại vì không chấp thuận cho vay vốn, mặc dù các hồ sơ này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thẩm định. Nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra là do việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của các chủ tàu chưa có tiêu chí cụ thể nên khó khăn trong việc thẩm định của ngân hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng còn từ chối cho vay với lý do thời hạn triển khai giai đoạn 1 của Nghị định 67 sắp hết (31-12-2016) không đủ thời gian để đóng tàu nên không thể cho vay; hoặc nếu được vay thì ngân hàng chỉ tính lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 đến hết 31-12, sau thời gian này ngư dân phải chịu lãi suất tín dụng bình thường nên dân không dám vay.

Nói về việc khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: Trước đây, một số ngân hàng đã không thu hồi được vốn cho vay theo chương trình đánh bắt xa bờ. Hiện nay, vốn của các ngân hàng thương mại phải huy động từ nhiều nơi, nên khi cho ngư dân vay, các ngân hàng phải tính đến hiệu quả, thận trọng trong thẩm định. Việc ký hợp đồng tín dụng chậm, phía Ngân hàng Nhà nước nhận định, do ngư dân do dự về quyết định đóng tàu, vì vốn đầu tư quá lớn, trong khi khả năng quản lý, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, trả nợ vay chưa thật rõ ràng. Nhưng để hỗ trợ tối đa cho ngư dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại phải tiếp tục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân. Đối với chủ tàu cá đã được tỉnh phê duyệt thì tích cực phối hợp với chủ tàu, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy định, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay; không bắt buộc chủ tàu bổ sung tài sản đảm bảo để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, vừa qua tỉnh đã họp bàn xử lý các vướng mắc liên quan đến việc vay vốn của ngư dân, tuy nhiên, trong tuần tới tỉnh sẽ tiếp tục đi kiểm tra thực tế. Nếu phát hiện có vướng mắc, tỉnh sẽ bàn cách xử lý, không ngồi một chỗ chờ báo cáo.

 Mặc dù cùng triển khai Nghị định 67, nhưng ở Bình Thuận việc triển khai chủ trương này khá thuận lợi. Chỉ tính riêng huyện đảo Phú Quý, đến thời điểm này huyện này đã có 33 tàu cá tiếp cận được vốn vay với tổng số tiền hơn 175 tỷ đồng. Ngoài ra, Phú Quý hiện có hơn 100 hồ sơ đóng mới tàu được tỉnh phê duyệt.  

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục