Lời giải nào cho nhà siêu mỏng

Một bức tường ngắn ở Hà Nội được chủ nhà rao bán với giá quá “sốc” 1 tỷ đồng, đã khiến dư luận quan tâm, còn chính quyền chưa có cách giải quyết. Nhà siêu mỏng, rẻo đất nhỏ tồn tại trên những đại lộ mới mở đã trở thành vấn nạn không chỉ ở thủ đô, mà ngay cả với thành phố Hồ Chí Minh.

Sản phẩm của một cách làm

Những năm qua, thành phố tiến hành giải tỏa, xây dựng nhiều công trình giao thông lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Hàng ngàn tỷ đồng đã đầu tư cho công trình giao thông lớn không chỉ giải quyết vấn đề mở rộng đường, chống kẹt xe mà còn chỉnh trang đô thị, làm cho thành phố đẹp, khang trang hơn. Thế nhưng, khi các công trình lớn đưa vào sử dụng, thì hàng loạt nhà siêu mỏng, đất nhỏ xuất hiện. Mục tiêu thứ nhất đã đạt, song việc chỉnh trang đô thị thì phá sản. Đi dọc theo những đại lộ mới mở, hai bên đường thường xuyên xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, đa hình. Nhiều căn nhà sau khi giải tỏa không còn đủ diện tích để xây dựng lại, chủ nhà xây thêm mấy hàng gạch để giữ đất. Nơi này lại trở thành điểm chứa rác tự phát.

Nhà siêu mỏng, miếng đất nhỏ là của người dân, nhưng nguyên nhân tạo ra sản phẩm này lại do cách làm thiếu khoa học của nhà quản lý. Thực tế cho thấy, nhà của người dân ở khu vực nội thành đã được tạo lập từ rất lâu, có quyền sở hữu nhà và ở ổn định trước khi mở rộng đường. Khi nhà nước thực hiện giải tỏa để lấy đất làm đường, chỉ giải tỏa, đền bù đến ranh cần xây dựng, chứ không thu hồi luôn thửa đất của người dân. Vì thế, nhiều trường hợp chỉ còn lại một rẻo đất nhỏ. Trên các trục đường lớn, dễ làm ăn buôn bán, nên dù đất còn lại ít người dân vẫn quyết bám trụ, sinh sống. Đất còn lại quá nhỏ, không được xây dựng nhà, thì người dân dựng kiốt, làm quán tạm. Từ đó gây ra những hệ lụy cho xã hội vì làm mất cảnh quan, bộ mặt đô thị.

Đâu là giải pháp căn cơ ?

Để giải quyết nạn nhà siêu mỏng, rẻo đất nhỏ, các sở chức năng như Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng chưa khả thi.

Biện pháp thứ nhất là không cấp giấy phép xây dựng cho những khu đất còn lại quá nhỏ. Đây là việc làm đúng quy định pháp luật. Nhưng khi người dân không được cấp phép xây dựng hợp pháp thì họ sẽ làm chui hoặc để lại bên đường nhiều miếng đất nhỏ bỏ không, làm nơi chứa rác. Một số chủ đất có xây tường, lại bị trẻ nhỏ vẽ bậy, dán quảng cáo, cũng làm mất mỹ quan đô thị.

Cách thứ hai là với các khu đất nhỏ liền kề, người dân tự thỏa thuận hợp khối để xin giấy phép xây dựng. Về mặt lý thuyết, đây là cách làm sáng tạo của nhà quản lý, nhưng thực tế lại đang đẩy cái khó cho người dân. Về lâu dài, người dân không khỏi lo lắng, đắn đo vì cơ sở pháp lý không rõ ràng, trong khi nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xử lý nếu xảy ra tranh chấp hay phân chia khối nhà.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đưa ra giải pháp, xây dựng quy hoạch cảnh quan kiến trúc đô thị trên một số trục đường lớn như Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng. Ba đồ án thiết kế với tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt. Trong đó có việc giữ lại và cải tạo một số khu dân cư hiện hữu có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mật độ xây dựng cao, cảnh quan và kiến trúc tương đối khang trang. Đây là những đề án đẹp cho tương lai, nhưng chưa phải là lời giải cho bài toán xóa nhà siêu mỏng, đất thừa trên các đại lộ hiện nay. Bởi thời gian thực hiện đề án lên đến hàng chục năm, như vậy quyền lợi của những người có đất nhỏ vẫn bị treo, vẫn còn tồn tại nhà siêu mỏng, những rẻo đất trống ven đại lộ.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục