Mới đây, thông tin về một người Đức trao tặng 21 tỷ đồng xây dựng trường học cho trẻ em trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Quan tâm bởi lẽ thứ nhất, ông không có bất kỳ bà con, họ hàng thân thích nào ở Việt Nam. Thứ hai, toàn bộ số tiền vị doanh nhân bỏ ra xây trường được trích từ tài khoản cá nhân của ông chứ không thông qua bất kỳ quỹ từ thiện, tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hai dự án đầu tư hoàn toàn mang tính hỗ trợ chứ không nhằm mục đích kinh doanh hay quảng bá. Song, sự việc này cũng khiến nhiều người Việt Nam giật mình tự hỏi, vì sao trong nước còn quá ít những mạnh thường quân có nghĩa cử cao đẹp như người bạn quốc tế kia? Vì sao chúng ta có rất nhiều dự án với mức đầu tư “khủng”, nhưng quá ít dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục?
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, người viết từng chứng kiến nhiều trường hợp cá nhân có sẵn vốn, muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhưng khi dấn thân vào cuộc đã bị “hàng rào” thủ tục làm khó. Cuối cùng họ chọn cách đầu tư vào các lĩnh vực khác dễ sinh lời hơn. Thậm chí với người có thừa quyết tâm… vay vốn cũng bị các nhiêu khê về luật ngăn cản. Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Phòng GD-ĐT quận 12 (TPHCM) tổ chức; tại phần đề xuất, kiến nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó phòng GD-ĐT quận 12, cho biết UBND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 14-6-2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Trong đó tại điểm 2.2, khoản d của nghị quyết ghi rõ: “UBND các quận, huyện cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn khác cho các cá nhân vay không tính lãi suất nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động”. Tuy nhiên, đến nay do chưa có văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục vay vốn nên việc triển khai ở các quận, huyện còn gặp khó. Nhiều chủ cơ sở mầm non, người thành lập các nhóm lớp cho biết chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.
Qua đó một lần nữa cho thấy quyết tâm “ưu tiên đầu tư cho giáo dục” của chúng ta còn nhiều bất cập. Người có vốn gặp khó về thủ tục hành chính, trong khi một bộ phận cá nhân vượt qua được các trở ngại hành chính đó lại không tiếp cận được nguồn vốn. Sự ưu tiên một khi được nói ra trên văn bản nhưng không đi kèm với giải pháp, hành động cụ thể nên mục tiêu phát triển giáo dục nhiều năm qua vẫn chưa thể thực hiện. Trong thời buổi “trường học không theo kịp đà tăng dân số”, trong đó hệ thống trường công gần như quá tải, không thể kham nổi nhu cầu học tập quá lớn của học sinh thì việc kêu gọi sự đóng góp của xã hội vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có những kế hoạch, chiến lược phát triển hệ thống trường ngoài công lập một cách bài bản thì mọi cố gắng chỉ mang tính “giật gấu vá vai”, về lâu dài bài toán thiếu chỗ học vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Do đó, trước những khó khăn trước mắt, đã đến lúc các cấp, ngành ngồi lại để cùng nhau tìm cách tháo gỡ, tận dụng tối đa mọi nguồn lực đóng góp của xã hội để đẩy nhanh sự phát triển của các dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Chỉ khi làm được điều đó, nhu cầu về chỗ học nói riêng và nhu cầu, quyền lợi nói chung của người dân mới được đảm bảo.
THANH THU