Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền nội dung lá đơn khác thường “xin phép cho con học dốt” của tài khoản có tên N.N.T. và nó thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng chục ngàn lượt thích. Sau khi trút tâm sự về bệnh “cuồng thành tích”, hay so sánh con mình với con cái hàng xóm, xấu hổ với đồng nghiệp vì con mình chưa tỏa sáng nhất, phụ huynh này đã ân hận, sám hối.
Cũng như nhiều phụ huynh khác nghiện học thêm, con của chị cũng kín lịch học trong tuần với sáng - chiều ở trường, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy... Mục đích chính là “để con tôi giỏi đều ở những môn còn lại và trở thành học sinh giỏi”, phụ huynh này thừa nhận. Dù con mình đã cố gắng, học thêm thật nhiều nhưng khi cháu không đạt được điểm 10 tuyệt đối, chỉ được 8 điểm là chị luôn trách cứ. Chị bộc bạch rằng: “Nó, con tôi, chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó... Thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận. Con tôi học giỏi từ lớp 1 đến lớp 9 và khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm…”. Vì cố gắng học thật nhiều, học đến kiệt sức nhưng kết quả không như mong muốn nên con chị đã có hành vi tiêu cực.
“Cháu cố tự tử đêm qua... Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh. Cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm... Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn... Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã…”.
Từ bài học đau thương này, chị mới hiểu ra sự thật, mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng, độc lập và không giống ai. Các em có ưu - khuyết, sở trường, năng khiếu riêng và không thể bắt chúng phải giỏi đều, toàn diện các môn học. Vì thế, chị muốn cứu con mình khỏi áp lực - vòng xoáy học hành quá tải như hiện nay. Chị muốn điều bình thường là con mình “học dốt” cũng được, không cần danh hiệu giỏi và tiên tiến. Điều chị xin lỗi và mong nhà trường chấp nhận quyết định này vì nó ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp, của trường.
Nội dung của lá đơn lạ lẫm này đang gây tranh cãi và phản biện khác nhau. Có ý kiến cho rằng “nếu phụ huynh muốn con mình học hành ra sao thì cứ việc làm như thế, cần gì phải viết đơn này nọ”. Tuy nhiên, ở góc độ đồng tình, ủng hộ, nhiều ý kiến bày tỏ lời cảm ơn và cảnh tỉnh từ tâm sự rất thật của người mẹ “suýt mất con” chỉ vì sai lầm bắt con học giỏi, chạy theo thành tích hão. Đúng là mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt, có ưu - khuyết và sở trường, đam mê khác nhau. Vì thế, các em cần được tôn trọng ý kiến, định hướng để phát triển phù hợp, hài hòa giữa trí tuệ, thể lực và giải trí lành mạnh, phát triển các kỹ năng mềm… chứ không nhất thiết phải trở thành một siêu nhân, giỏi đều tất cả các môn học như phụ huynh, thầy cô mong muốn.
Năm học mới lại bắt đầu, thay vì ép con học thêm, nhồi nhét kiến thức và tước đoạt tuổi thơ, quyền được vui chơi của trẻ em, các phụ huynh hãy thay đổi nhận thức, hiểu rõ con mình cần gì để lớn lên thành người. Hãy đồng hành và thấu hiểu điều gì làm chúng hạnh phúc chứ đừng chạy theo bệnh thành tích đạt danh hiệu này nọ. Hãy cứu tuổi thơ của các em để chúng không bị trầm cảm, có xu hướng hành hạ bản thân, có hành vi bạo lực học đường... mà nguyên nhân chỉ vì người lớn áp đặt, kỳ vọng quá nhiều vào chúng.
HÀ KHÁNH