
Năm 2003, Mékong Festival Cần Thơ đã thành công rực rỡ. Và hiện nay, trong bộn bề lo toan của những ngày đầu năm, An Giang đang nỗ lực rất lớn cho Mékong Festival An Giang (từ ngày 23 đến 26-2-2006).
Tỉnh An Giang (AG) chính thức đề danh vào hệ thống hành chính nước ta năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là 1 trong Nam Kỳ lục tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang). AG ngày nay giáp Campuchia về phía Tây Bắc với đường biên giới chung 90 km thông thương qua 2 cửa khẩu: Tịnh Biên - nối liền QL 91 (Việt Nam) với QL 2 (Campuchia), cửa khẩu Vĩnh Xương (Tân Châu) trên sông Tiền (một nhánh của sông Mékong) và một số cửa khẩu khác;

Ban tổ chức Mékong Festival An Giang 2006 làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về công tác liên kết tổ chức các hoạt động tại Festival.
Phía Tây Nam giáp Kiên Giang; Đông Nam giáp Cần Thơ; Đông Bắc giáp Đồng Tháp. Diện tích 3.423 km2. Dân số 2.113.429 người, 11 đơn vị hành chính: TP Long Xuyên; thị xã Châu Đốc; huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu.
AG đã khai thác được nhiều tiềm năng để biến thành lợi thế phát triển; nhìn thẳng vào những mùa nước nổi dữ dội để chung sống, làm giàu, đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, cá tra, cá basa… Các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến học, khuyến thiện… mà AG đang thực hiện hiệu quả là nền tảng để AG chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ!
Gọi là Thất Sơn nhưng AG có… nhiều hơn bảy núi: Núi Sam, núi Cấm, núi Dài, núi Cô Tô, núi Bà Đội, núi Nam Qui, núi Sập, núi Ba Thê… Rừng trên núi đá cho nhiều dược thảo quý và tạo nên những khu du lịch mát dịu như Đà Lạt giữa ĐBSCL; cả hai nhánh của Mékong đều tràn dòng sữa phù sa cho AG. Trong tương lai không xa, AG sẽ là tỉnh cầu nối trong quan hệ với các nước tiểu vùng sông Mékong.
AG có nhiều di tích - danh thắng nổi tiếng, nhiều lễ hội lớn, giá cả thị trường ổn định… AG còn có một vốn quý nữa: Con người! Người AG rất năng động, bắt nhịp nhanh vào nền kinh tế thị trường. 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa góp phần tạo nên cho vùng đất huyền thoại này những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngày 19-5-2003, huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập một thị trấn mới: Thị trấn Óc Eo dưới chân núi Sập. Điều này cũng là sự thừa nhận trong lòng đất Thoại Sơn-AG đậm đặc dấu tích một nền văn minh rực rỡ.
Từ nơi khác bạn có thể đến An Giang theo sông Tiền - sông Hậu, đi về phía đầu nguồn; theo QL1 xuôi phương Nam rẽ vào QL 91 (TPHCM-AG: 230km) hoặc rẽ vào QL 30 (TPHCM-AG: 189km). Nếu từ thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) bạn muốn về Việt Nam bằng đường bộ và đường thủy thì An Giang là điểm đến gần nhất!
Tới An Giang, du khách có thể đến thăm: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đình Bình Phước, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Xà Tón, chùa Giồng Thành, thánh đường Hồi giáo Mubarac, đình Châu Phú, đình Đa Phước, chùa Tây An, chùa Hang, đền thờ Quản Cơ, bia khắc Phạn ngữ trên đá cổ hàng nghìn năm tuổi ở Linh Sơn Tự, Sơn Lăng Thoại Ngọc Hầu… di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp, khu di tích lịch sử Chứng tích căm thù: Nhà mồ tập thể xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn… Du lịch Thất Sơn, du lịch mùa nước nổi… và đặc biệt “leo núi mùa lũ” là “đặc sản du lịch” duy nhất có ở AG.
An Giang đang ngày càng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của vùng châu thổ sông Cửu Long!
Mékong Festival An Giang 2006 |
NGUYỄN THỊ KỲ