Lòng từ tâm đặt đúng chỗ

UBND TPHCM vừa có Quyết định 49 về việc tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn. Theo đó, kể từ ngày 28-12-2014, TPHCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Quyết định này được dư luận người dân TPHCM rất hoan nghênh. Báo SGGP trích giới thiệu ý kiến của bạn đọc về việc này.
Lòng từ tâm đặt đúng chỗ

UBND TPHCM vừa có Quyết định 49 về việc tăng cường quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn. Theo đó, kể từ ngày 28-12-2014, TPHCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Quyết định này được dư luận người dân TPHCM rất hoan nghênh. Báo SGGP trích giới thiệu ý kiến của bạn đọc về việc này.

Vấn đề xã hội cần được giải quyết rốt ráo

Thời gian gần đây, trên đường phố TPHCM có nhiều người ăn xin. Họ là người khuyết tật, già yếu không nơi nương tựa, thực sự cần sự giúp đỡ của xã hội. Bên cạnh đó cũng có nhiều người lười lao động đi ăn xin “chuyên nghiệp”, hoặc người từ các tỉnh bị những kẻ chăn dắt đưa về TPHCM xin ăn. Trong nỗ lực chăm lo đời sống người dân, giải quyết an sinh xã hội và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, không thể cứ để tiếp diễn những hình ảnh như vậy. Việc quản lý người lang thang xin ăn, không nơi cư trú trên địa bàn phải là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn.

Do vậy, chúng tôi thực sự đồng tình khi hay UBND TP chỉ đạo đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội, đồng thời vận động người dân có lòng hảo tâm đóng góp hỗ trợ người cơ nhỡ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện xã hội.

Người ăn xin ngồi dưới lòng đường tại giao lộ Châu Văn Liêm - Hồng Bàng (quận 5, TPHCM). Ảnh chụp sáng 23-12.

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của cả nước, do vậy, có sức hút người dân nhập cư. Nhưng cùng với số đông lao động về TPHCM làm việc, học tập, cũng có không ít người đến TPHCM để hành nghề ăn xin với nhiều chiêu trò để lạm dụng lòng từ tâm của người dân. Để tránh lòng thương người bị lạm dụng do có quá nhiều người lười lao động giả dạng đau yếu, khốn khổ để ăn xin, nhiều người dân TP đã cảnh giác và dè dặt khi thấy người cơ nhỡ, người đau yếu, già cả cần giúp đỡ.

Do vậy, chúng tôi thấy quan điểm của UBND TP là phù hợp, cùng với việc đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội, TP vận động người dân có lòng hảo tâm đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức đoàn thể, từ thiện của TP. Như vậy, những người thực sự khốn khó sẽ được chăm sóc bằng phúc lợi xã hội và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng. Và những người chăn dắt ăn xin và những kẻ lười lao động, lạm dụng lòng từ tâm của người dân sẽ không thể tiếp tục làm xấu bộ mặt TP.

TPHCM đã và đang thực hiện rất hiệu quả những mô hình chăm lo cho người nghèo như xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương…, song vẫn còn những mảnh đời cơ cực cần sự hỗ trợ, chung tay của toàn xã hội. Rất mong việc đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội sẽ được TPHCM thực hiện quyết liệt, rốt ráo và bài bản, không bỏ sót những trường hợp thực sự cần được bảo trợ của xã hội, và cũng không để những kẻ chăn dắt ăn xin, những kẻ lười lao động tiếp tục sống bằng việc lạm dụng lòng từ tâm của người dân. Công việc này sẽ không dễ dàng, không đơn giản và không có hiệu quả nếu như không có sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.

HOÀNG PHƯƠNG
(quận 3, TPHCM)

Chủ tịch phường, xã chịu trách nhiệm

Quyết định 49 của UBND TPHCM về việc sẽ đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội là một quyết định đúng đắn, được người dân đồng tình, vấn đề làm sao để chủ trương này được triển khai đồng bộ, đến nơi đến chốn và góp phần dứt điểm thực trạng này.

Một quan điểm đáng chú ý trong Quyết định 49 là có giải pháp để lòng từ tâm được đặt đúng chỗ, đó là giúp đỡ người già, người khuyết tật neo đơn, không nơi nương tựa bằng việc chăm sóc, hỗ trợ tại các nhà mở, trại nuôi dưỡng. Việc thay đổi nhận thức và hành vi, là điều không dễ, vì vậy việc giáo dục cần phải liên tục, kiên trì.

Bên cạnh đó, phải xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tập trung người ăn xin vào các cơ sở xã hội. Phường, xã nào còn người ăn xin thì chủ tịch phường, xã ấy phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Một kinh nghiệm đáng chú ý của TP Đà Nẵng được TPHCM áp dụng: Lập đường dây nóng để người dân thông báo khi phát hiện người ăn xin và sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin. TPHCM thông báo: Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng của Sở LĐTB-XH TP (Phòng Bảo trợ xã hội) số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 35.533258 (24/24giờ), khi phát hiện người xin ăn.

Song số điện thoại như vậy rất khó nhớ, có lẽ để người dân thuận tiện thông báo, số đường dây nóng nên ngắn gọn, dễ nhớ, tương tự như tổng đài 113 hay 114.

HIẾU NHÂN
(Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục