Thay vì chọn những lớp học phụ đạo nhồi nhét kiến thức để con mình có thể học giỏi hơn khi lên lớp so với các bạn, nhiều ông bố, bà mẹ đã bắt đầu lưu tâm hơn về các lớp học năng khiếu, kỹ năng hay rèn luyện sức khỏe. Nhưng liệu những lớp học như thế này đã đủ cho sự phát triển của trẻ hay chưa?
Đây là những lớp học mà trẻ có thể tự do lựa chọn tùy theo sở thích, vừa thư giãn, vận động tay chân nhiều hơn nhưng vẫn tiếp thu những kiến thức mới một cách thoải mái, sáng tạo, cũng như rèn luyện khả năng tư duy. Nhận ra lợi ích từ những lớp học như thế, nhiều bậc phụ huynh dần dần chú trọng mảng “học mà chơi” cho con mình. Ngày càng nhiều trung tâm mở ra, đón đầu nhu cầu thiết thực này và các lớp học ngày càng sáng tạo hơn trong việc giúp trẻ khám phá cuộc sống xung quanh. Không chỉ mở lớp chiêu sinh vào dịp hè, hầu hết các trung tâm hiện có luôn lớp vào thứ bảy và chủ nhật, cũng như lớp buổi tối để không trùng với thời gian học ở trường của các bé.
Học võ đang là xu thế được các phụ huynh đầu tư cho con em
Phần lớn những trung tâm, lớp học ngoài giờ kể trên thiên về các môn năng khiếu, nhưng nếu chỉ học và phát huy năng khiếu sở trường của bản thân thì chưa đủ để trẻ em có thể phát triển một cách toàn diện về sau. Những clip chia sẻ trên mạng xã hội về việc nữ sinh đánh nhau, trong đó nhiều gương mặt áo trắng đứng nhìn và cười một cách vô cảm, đã khiến nhiều bậc phụ huynh đầy lo lắng về tình trạng bạo lực học đường cũng như sự vô cảm trước cái xấu. Có lẽ, chúng ta đang cần một lớp học mà ở đó có thể nâng cao chỉ số EQ (emotinonal quotient - chỉ số cảm xúc) để tránh sự vô cảm, thờ ơ trước các thói xấu của trẻ em.
Hay câu chuyện về những vụ xâm hại tình dục trẻ em, khiến dư luận không ít phẫn nộ. Đã đến lúc báo động rằng, trẻ em cần nhiều hơn ở một lớp học ngoài giờ. Đó là những “kỹ năng mềm” thiết yếu trong cuộc sống để có thể tự bảo vệ mình. Kỹ năng sống thiết yếu cần phải được dạy cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời bên cạnh những kiến thức khoa học.
Ở Nhật Bản, ngay những năm tháng đầu đời, việc học những kỹ năng luôn được đặt lên hàng đầu và quan trọng hơn hết, những kỹ năng đó giúp trẻ phát triển tốt hơn về sau này. Là quốc gia thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như động đất, sóng thần…, trẻ em ở Nhật ngay từ nhỏ đã được học các kỹ năng sinh tồn, ứng phó với sợ hãi. Trước thảm họa động đất và sóng thần kép, một lần nữa cả thế giới đã ngả mình thán phục trước “tinh thần Nhật Bản”, khi hàng ngàn người vẫn xếp hàng ngay ngắn, không xô lấn, không lớn tiếng… để nhận từng đợt hàng cứu trợ và không quên cúi đầu cảm ơn. Để làm nên một “tinh thần Nhật Bản” như thế, có lẽ phần lớn nằm ở những kỹ năng mềm trong cuộc sống qua những phép tắc ứng xử được giáo dục ngay từ nhỏ.
Đến lúc cần hơn những giờ học mà trẻ có thể tự trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để phát triển bản thân một cách toàn diện nhất, đó mới là một lớp học ngoài giờ đáng mong đợi.
KIM LOAN