Tại số B1/7, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TPHCM) có một lớp học khá đặc biệt, chuyên dạy chữ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ lang thang.
Đó là lớp học của cô giáo Huỳnh Phúc Hạnh. Lớp học được các sư ở chùa Từ Quang mở ra năm 1995, đến năm 1997 cô Hạnh được Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh phân công về phụ trách và giảng dạy. Hiện lớp có 40 em, đa phần có hoàn cảnh khó khăn hoặc quá tuổi đến trường.
Chúng tôi đến thăm lớp lúc cô Hạnh đang dạy các em làm toán. Cô tỉ mỉ chỉ cách sắp xếp phép tính theo thứ tự hàng chục và hàng đơn vị để các em tiếp thu nhanh và tránh bị nhầm lẫn. “Cô Hạnh thương tụi con lắm, cô chỉ tụi con làm toán, dạy cách đánh vần…” - em Nguyễn Văn Hào Em, 13 tuổi, nói. Cô Hạnh giải thích: “Phải chỉ bảo cẩn thận, kiểm tra bài vở thường xuyên để giúp các em củng cố kiến thức và phát hiện kịp thời những em yếu để phụ đạo”. Khi chúng tôi hỏi hình như hôm nay các em không đi học đầy đủ vì lớp có nhiều chỗ trống, cô Hạnh nói: “Chắc các em phải ở nhà phụ cha mẹ bán hàng hay đi lượm ve chai nữa rồi. Có nhiều hôm tôi chạy xe ngoài đường, thấy các em đi lượm ve chai ở cầu Bình Điền mà tội nghiệp quá!”. Vốn xuất thân trong một gia đình làm nông nghèo nên cô hiểu và cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của các em. Chính vì thế, bao năm qua cô quyết tâm gắn bó và tận tình dạy dỗ các em.
Khi nhập học, điều kiện duy nhất là giấy khai sinh, ngoài ra các em không phải tốn bất cứ khoản phí nào. Có nhiều lúc, cô Hạnh còn lấy tiền túi hay vận động Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh tổ chức quyên góp tập, sách cho các em đi học. Khi chúng tôi thắc mắc sao lại phải có giấy khai sinh mới được nhập học, cô Hạnh cho biết, việc bắt buộc này có lợi cho tương lai của các em. Đó cũng là lý do ban đầu lớp ít học sinh, do các em phải theo cha mẹ kiếm sống và do không có giấy khai sinh. Nhưng với quyết tâm “gieo con chữ”, cô kiên trì vận động cha mẹ các em làm giấy khai sinh, giải thích cho họ hiểu được tầm quan trọng của việc học để đưa các em đến trường. Lâu dần, thấy được cái tâm của cô, họ đem con đến học ngày một đông. Đến nay, có trên 10 em học ở lớp này đã lên học lớp 10 của Trường THPT Bình Chánh.
Không chỉ được học chữ, chủ nhật hàng tuần, các em còn được sư thầy trụ trì cho sinh hoạt, vui chơi ở chùa, “vì sợ tụi con ở nhà buồn” - em Lý Thị Thảo Nguyên (10 tuổi) hồn nhiên nói.
Trung Chánh