Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Không nên kỷ luật thí sinh quay clip về gian lận thi cử

Xung quanh vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang, hiện dư luận đang rất quan tâm tới việc ngành giáo dục sẽ xử lý học sinh quay clip tố cáo gian lận như thế nào. Báo SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa về vấn đề này.

Xung quanh vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang, hiện dư luận đang rất quan tâm tới việc ngành giáo dục sẽ xử lý học sinh quay clip tố cáo gian lận như thế nào. Báo SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa về vấn đề này.

- Phóng viên: Ngành GD-ĐT cho rằng thí sinh đó vừa có công vừa có tội. Dư luận cho rằng nếu không làm cách đó sẽ không có chứng cứ. Quan điểm của ông ra sao?

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Thí sinh vào phòng thi nhưng không tập trung làm bài mà làm việc khác thì rõ ràng có vi phạm quy chế thi. Nhưng phải xem xét động cơ của người vi phạm. Ở đây họ không vụ lợi, chỉ muốn phản ánh một thực trạng tiêu cực và cần có chứng cứ. Thấy tình trạng tiêu cực đang diễn ra, bất công đối với những học sinh học hành nghiêm túc, họ muốn phản ánh tình trạng đó nên ghi lại thì nên xem xét xử lý. Vì động cơ đó là tốt. Rõ ràng khi xử lý vi phạm này cần có sự chiếu cố, không nên quá nặng nề.

- Ông ủng hộ thí sinh này có công?

Tôi đã nói rồi, phải xác minh thêm. Nếu học sinh đó làm bài trung thực, chỉ vì em thấy tình hình tiêu cực nên mới ghi lại để có chứng cứ đấu tranh thì động cơ, mục đích, hành vi của thí sinh này rõ ràng nên khuyến khích. Em đó có vi phạm nhưng không có tội.

Mặt khác, ngành giáo dục cấm học sinh mang thiết bị vào phòng thi để quay cóp bài làm. Còn em này mang bút quay vào không phải để quay cóp mà để có chứng cứ tố cáo. Nên về hình thức có vi phạm quy chế, nhưng bản chất thì không vi phạm. Ngành giáo dục nên dũng cảm thừa nhận sai trái của mình đang để những hành vi sai trái đó diễn ra. Điều này rất có hại đối với những thí sinh đang làm bài thi đó. Làm bài thi dối trá nhưng kết quả vẫn được chấp nhận thì những học sinh đó ra đời khó trở thành công dân tốt, cán bộ tốt. Đây là sự thật đau đớn nhưng ngành giáo dục phải thừa nhận. Nên nếu không khen thưởng thì thôi, ngành giáo dục không nên kỷ luật em học sinh đó.

- Nhiều ý kiến bảo vệ học sinh theo hướng: học sinh mang bút quay phim vào phòng thi là vi phạm, nhưng giám thị không phát hiện và xử lý tại thời điểm đó, vì vậy lúc này không thể xử lý thí sinh theo kiểu hủy bài làm?

Cần phải điều tra làm rõ, học sinh đó có vi phạm gì trong việc làm bài thi không. Nếu chính em đó dùng bút quay để ghi lại bài của bạn và sao chép, hoặc em cũng dùng tài liệu để chép bài thì lại là chuyện khác. Còn làm bài trung thực, chỉ dùng bút để quay lại tình trạng vi phạm quy chế thi thì không có sai phạm. Không nên hủy kết quả bài thi của em đó.

Về ý kiến đề nghị truy tố tội làm bí mật quốc gia khi tuồn đề thi ra ngoài theo tôi, phải xử theo luật. Rõ ràng phải xử nghiêm vụ này. Ít nhất việc để xảy ra tiêu cực nghiêm trọng trong thi cử như thế đã cho thấy, quy chế luật pháp thi cử đã bị vô hiệu trước mắt bao nhiêu người. Những học sinh quay cóp làm bài đã là một vết nhơ, nhưng người lớn phải chịu trách nhiệm về việc này trước, nhất là khi tiếp tay cho sai phạm đó lại chính là những người trong ngành.

Phan Thảo thực hiện


Xem xét nghiêm túc, không bao che

Liên quan đến vụ gian lận thi tốt nghiệp THPT ở Bắc Giang, ngày 6-6, Công an tỉnh Bắc Giang đã mời học sinh liên quan đến làm việc nhằm làm rõ các nghi vấn xung quanh clip dài 6 phút quay cảnh tiêu cực diễn ra trong phòng thi tại Hội đồng coi thi (HĐCT) Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, Bắc Giang). Công an Bắc Giang sẽ điều tra làm sáng tỏ có hay không việc gian lận thi có tổ chức. Trong đó làm rõ việc người ném bài có phải là cán bộ ở HĐCT Trường THPT Dân lập Đồi Ngô hay ở ngoài vào. Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng cho biết: “Nam sinh 19 tuổi này chỉ vi phạm quy chế thi, nên cơ quan công an sẽ không tạo nhiều áp lực”. Công an Bắc Giang cũng cho rằng lời khai của học sinh này chưa chắc hoàn toàn đúng. Do đó, công an phải xem xét từ nhiều phía mới có thể kết luận việc quay clip đó có tổ chức hay không. Ngoài ra, đoàn thanh tra giáo dục của tỉnh cũng làm việc với những giáo viên vi phạm quy chế. Nếu có dấu hiệu hình sự, công an sẽ vào cuộc xử lý.

Ngày 6-6, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết việc cần làm bây giờ, phải bình tĩnh xác minh các tình tiết cụ thể nhằm xử lý nghiêm đúng quy định. Để xử lý người quay clip, cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố khách quan như động cơ, mục đích, cần có Hội đồng xem xét, xử lý.

Hôm qua, bên hành lang Quốc hội, ông Thân Văn Khoa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết “hơi giật mình” khi xem clip liên quan đến ngành giáo dục tỉnh nhà. Về hướng xử lý thí sinh quay clip, ông Khoa cho rằng: “Phải biết được bản chất sự việc mới có hướng xử lý. Khi đã làm rõ bản chất sẽ căn cứ các quy định như quy chế thi, quy định của Bộ GD-ĐT để xử lý. Thông tin ban đầu là vậy, nhưng cụ thể việc đó thế nào, gian lận có tổ chức hay không, cần phải xác minh. Tinh thần của chúng tôi, xem xét nghiêm túc, không bao che”.

Theo phản ánh của học sinh quay clip này, thiết bị được dùng để ghi được cảnh trong phòng thi là bút quay. Đây là thiết bị có công dụng như một bút viết bình thường nhưng được gắn thêm thiết bị camera quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Thiết bị này được bán khá công khai trên thị trường, giá thành chỉ vài trăm ngàn.

L.Nguyên

Tin cùng chuyên mục