Thời gian gần đây, trên các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ, kênh Tẻ… (TPHCM) xuất hiện nhiều lục bình trôi dạt. Lục bình gây tắc nghẽn dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy, trở thành bãi rác trôi nổi cho muỗi cư ngụ. Khi lục bình héo chết lại gây ô nhiễm môi trường.
Tác nhân ô nhiễm
Dưới gầm 19 cây cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đều có rất nhiều mảng lục bình. Tại nhiều đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như cầu Kiệu, cầu Bông, chung cư Miếu Nổi, cầu số 1, cầu số 5…, có nhiều đám lục bình héo chết nằm ẩn dưới dòng nước thành những mảng lớn hoặc nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhiều người đi ngang qua đây phải bịt mũi vì lục bình chết rữa bốc mùi hôi thối. Vào ban đêm, mùi thối này còn nồng nặc hơn. Cư ngụ bên bờ con kênh này hơn 30 năm, ông Nguyễn Văn Nam (quận 1) cho hay: “Hơn tháng nay, lục bình từ sông trôi vào kênh nhiều bất thường, những đám lục bình này còn cuộn theo nhiều rác sinh hoạt. Lục bình mọc tràn lan, khi héo sẽ chìm xuống nước, bốc mùi thối. Đã vậy, rác sinh hoạt bám theo vào lục bình. Không vớt kịp lục bình, dòng nước kênh sẽ trở thành đen ngòm như xưa và muỗi sẽ sinh sôi nhiều”.
Anh Hồ Anh Minh đang ngồi câu cá tại đây, cho biết: “Dạo này kênh có nhiều cá là nhờ có lục bình. Nhưng nếu không vớt lục bình thường xuyên thì lục bình mọc tràn lan chất chồng thành dề lớn, phần chìm dưới nước sẽ chết làm nước thối và cá cũng không sống được”. Bà Lê Văn Lài, nhà trên đường Hoàng Sa, phường 7, quận 3 nói: “Lục bình nhiều quá làm nước kênh trở nên hôi thối hơn, không ai dám ngồi chơi, hóng mát ở các ghế dọc kênh. Những nhà xung quanh đây phải trở lại thời đóng cửa kín mít cho đỡ bị mùi nước thối và muỗi bay vào. Nhiều khi cũng thấy có những công nhân đi vớt rác, dọn sạch kênh, nhưng cứ chiều tối là lục bình từ đâu trôi về rất nhiều, gây hôi thối chịu không nổi”.
Cần xử lý triệt để
Tại cầu số 1 bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc quận Tân Bình), chúng tôi chứng kiến dưới cái nắng gay gắt có những công nhân đứng trên những chiếc xuồng nhỏ để vớt rác trên kênh. Họ vất vả, hì hục làm cả ngày mới vớt hết những dề lục bình. Do lao động phương pháp thủ công, chỉ dùng vợt vớt lục bình và rác lên xuồng để đưa lên bờ, trong khi nước lên, liên tục đẩy lục bình trôi về cuối dòng kênh rất nhiều, nên họ vớt không xuể.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết: “Từ khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do công ty đảm nhiệm đã được cải tạo xanh - sạch - đẹp, người dân có ý thức hơn, ít vứt rác xuống kênh, tuy nhiên chúng tôi lo ngại vì lục bình trôi tràn lan. Từ tháng 12-2013 đến nay, rất nhiều lục bình từ đầu sông Sài Gòn trôi dạt vào mà không trôi ra được, do mùa gió chướng (gió Tây Nam) thổi lục bình trôi ngược lại vào trong kênh mỗi khi nước ròng. Trước đây các công nhân được giao nhiệm vụ cách một ngày lại đi vớt lục bình, nhưng nay lục bình quá nhiều nên công nhân phải tăng ca mỗi ngày đều phải đi vớt. Lượng lục bình trên kênh đã tăng nhiều so với các năm trước, nay bình quân mỗi ngày chúng tôi vớt được 10 tấn lục bình khô, vậy mà cũng không vớt hết kịp”.
Được biết, biện pháp dùng sà lan chặn ngay đầu ngã ba sông từ hai đầu bến Phú Định và sông Sài Gòn, để lục bình không vào trong kênh được, rồi dùng xe cẩu xúc lên sà lan, đã tỏ ra rất hiệu quả. Chỉ trong một ngày là đã đầy ắp hai chiếc sà lan. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 cho biết, hiện nay ở các cửa sông chảy vào tuyến kênh trong thành phố như bến Phú Định, Bà Lớn, Ông Lớn, Ngã ba Sông… có các sà lan chốt chặn vớt lục bình. Còn trong kênh, công ty phân công các công nhân vớt bằng lưới. Người dân thắc mắc: vì sao không sử dụng loại lưới lớn, dùng hai thuyền máy chạy dọc hai bên kênh để vét lục bình nhanh gọn hơn, sạch hơn?
THANH HẢI