Vườn treo Babylon

Lửng lơ hư và thực

Lửng lơ hư và thực
Lửng lơ hư và thực ảnh 1

Trong bảy kỳ quan cổ đại thế giới, vườn treo Babylon đến nay vẫn còn là một ẩn số, vì niên đại xây dựng quá lâu, từ năm 600 trước Công nguyên, đến nay đã trải qua trên 2.500 năm và kỳ quan hiện chỉ là một tàn tích. Chân dung kết cấu kỳ quan như thế nào, thì nay cũng như “người mù sờ voi, mỗi góc nhìn nhận một khác”.

Chỉ biết sự thật kỳ quan là một thành trì cao như núi đá, của vương quốc Babylon, nay là Iraq. Kỳ quan là dấu ấn tiêu biểu của văn minh “Lưỡng Hà Cực”. Lưỡng hà là hai con sông như chị em song sinh Tigris – Euphrates chảy qua vùng cát bỏng. Tại vùng Mesopotamia cách thủ đô Baghdad ngày nay 90km về phía Nam, hoàng đế Nebuchaduezza đã cho xây vườn treo dành tặng vợ là Amyitis vốn là công chúa Iran, để nơi khô cằn, công chúa vẫn có hoa cảnh tươi mát như quê nhà Media của Iran.

Do đó mà vườn treo Babylon còn có tên Semiramis, của tình yêu tuyệt vời. Chưa ai chứng minh được vườn đã xây thực sự như thế nào. Các ghi chép và tranh chạm khắc để lại hầu hết là do các hiền triết, sử gia Hy Lạp. Khái quát thì có mấy cách mô tả tiêu biểu có thể tin cậy sau đây.

Trong một tòa lâu đài xây lên cao như hòn núi đá, xây bằng đá và gạch tẩm nhựa đường với nhiều bancon hình vòm cái nọ chồng lên cái kia, có hệ thống cột gỗ đục lõm đổ đất trồng hoa như treo dọc theo mái hiên, không phải dùng dây. Có tư liệu thì cho quy cách cụ thể về một ngọn tháp có bốn tầng, hình vuông, càng lên cao càng thu nhỏ để tháp hình nhọn. Tầng trệt mỗi cạnh 246m, lên tầng hai gồm hệ thống cột mỗi cạnh 25 cái, tầng ba là 17 cái, tầng bốn là 13 cái, tổng chiều cao 77m. Mỗi tầng đều lót chì để khỏi bị thấm nước, trên đó là đá khối 5 x 1,2m phủ lau sậy có trộn nhựa đường và đổ đất dày để trồng cây. Tưới nước bằng gàu kết thành chuỗi có bánh quay lấy từ giếng. Có tài liệu mô tả nước tưới bằng hai bánh xe lớn kết bằng dây xích, đưa các thùng nước tưới lấy từ sông Euphrates lên. Mô tả này có thể lầm lẫn với máy bơm kiểu đinh vít của Archimedes hiện đang tồn tại ở Nineveh.

Sở dĩ vườn treo Babylon, một kỳ quan có thật nay vẫn còn nhiều dấu tích, nhưng vẫn còn treo lơ lửng về các chi tiết tùy theo vào trí tưởng tượng của hậu thế, có lẽ là do có sự nhầm lẫn ban đầu, các sử gia không dịch sát nghĩa của mấy từ Latin, kremastos và pensilis là “nhô ra ở trên” thành ra treo, đúng như nội dung tranh khắc thế kỷ 16 dưới đây. Dù sao thì nền cũ và cổng vào “vườn nhô ra ở trên Babylon” vẫn còn là một điểm tham quan hấp dẫn của du khách.

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục