Lúng túng vì thiếu cơ chế

Để hoạt động giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đạt kết quả tốt, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế giám sát cụ thể và thực hiện minh bạch, công khai. 
Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, từ trước đến nay chúng ta có quá nhiều quy định về vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể ở địa bàn dân cư, nhưng cơ chế giám sát cụ thể thì chưa có, nhất là giám sát đối với cá nhân.
Ông Lưu dẫn chứng về giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định chỉ được công khai ở nơi làm việc, không công khai ở nơi cư trú. Do vậy, người dân phải thể hiện vai trò giám sát thì rất khó, vì họ không thể biết tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên đó có cái gì, hàng năm tăng thêm cái gì. Nếu việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được công khai ở địa bàn dân cư thì người dân mới theo dõi, giám sát được khi có tăng thêm hoặc biến động khác thường. 
Đó là một nội dung của phòng chống tham nhũng, còn nội dung khác như trong sinh hoạt hàng ngày, vợ con của người cán bộ, công chức này có những biểu hiện gì khác thường về quan hệ làm ăn, sắm sửa đồ dùng cá nhân đắt tiền, tiêu dùng xa xỉ bằng số tiền lớn không rõ nguồn gốc thu nhập…, cho dù có biết rõ nhưng cơ chế nào để người dân phản ánh, xác minh và kiến nghị xử lý. Hay nội dung có quan hệ với quần chúng ở địa phương hay không.
Theo quy định thì đảng viên phải tham gia làm công tác xã hội ở địa phương, người cán bộ, công chức, đảng viên đó có tham gia không, hàng năm dịp lễ tết có thăm người nghèo, có tham gia đóng góp các khoản vận động đóng góp xã hội của địa phương hay không, người dân cũng khó mà biết để giám sát.
Cũng với quan điểm này, ông Huỳnh Thiên Phúc, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, đề nghị cần có diễn đàn dân chủ, có nơi để người dân nói và phản ánh những hành vi của cán bộ, công chức, đảng viên ở địa bàn dân cư. Do không có nơi phản ánh nên người dân khi thấy có hiện tượng bất thường của người cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn thì lại xì xào, bàn tán, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng uy tín, tình cảm của cán bộ, công chức, đảng viên đó. Chưa kể, sự phản ánh, thắc mắc của người dân không được người, tổ chức nào tiếp nhận, dẫn đến gây hiểu lầm sự việc, mất đoàn kết với người cán bộ, công chức, đảng viên. Mặt khác, người cán bộ, công chức, đảng viên khi bị giám sát cần có nơi để trao đổi, phản biện lại với những phản ánh, đóng góp của người dân. Hay, để bảo vệ người tham gia giám sát, phản ánh đến cấp có thẩm quyền khi phát hiện cán bộ, công chức, đảng viên ở địa bàn dân cư có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm đạo đức, cần có hộp thư, kênh tiếp nhận riêng mang tính bảo mật, để mọi người yên tâm, tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền giám sát của mình. Vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư cũng phải được phát huy, vì mọi chuyện xảy ra ở địa bàn dân cư đều không qua mắt được người dân. Thông qua người đại diện của mình là các tổ chức đoàn thể, người dân sẽ tham gia giám sát một cách thực chất, hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục