Ly hôn không phải dấu chấm hết

“Tuổi trẻ bồng bột, nông nổi, tôi trở thành bà mẹ trẻ ở tuổi 17, cha đứa bé là một sinh viên con nhà giàu có. Đám cưới diễn ra với sự chúc phúc tràn đầy của bà con, dòng họ, thế nhưng…”, câu chuyện của Vũ Như Nguyện...
Ly hôn không phải dấu chấm hết

“Tuổi trẻ bồng bột, nông nổi, tôi trở thành bà mẹ trẻ ở tuổi 17, cha đứa bé là một sinh viên con nhà giàu có. Đám cưới diễn ra với sự chúc phúc tràn đầy của bà con, dòng họ, thế nhưng…”, câu chuyện của Vũ Như Nguyện...

Đám cưới diễn ra khi tôi chưa đủ tuổi kết hôn. Tôi sinh con vào tháng 12 thì tháng 1 năm sau tôi mới đủ tuổi kết hôn nên mới cùng chồng đi đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho con. Mâu thuẫn xảy ra ngay khi tôi xin bố mẹ chồng cho phép được tiếp tục đến trường học xong trung học, lúc đó con tôi vừa được 6 tháng tuổi. Bố mẹ chồng nhất quyết không đồng ý với lý do tôi phải ở nhà trông con. Bị kẹt giữa bố mẹ và vợ không cách nào hòa giải, chồng tôi cũng đành im lặng, buông xuôi. Tôi nghĩ để được gia đình chồng tôn trọng trong tương lai, tôi cần độc lập về tài chính, nên bất chấp tất cả, tôi mang bán dần số vàng cưới và tiếp tục đi học lớp 12.

Ảnh cưới của Vũ Như Nguyện và Kelvin Loke

Cứ khoảng 4g sáng tôi thức dậy học bài, tranh thủ cho con ăn sáng rồi chở con qua nhờ bà ngoại trông hộ. Tới 5g chiều, sau khi đi học về tôi ghé đón con. Tôi vừa bận học, vừa chăm con, còn chồng tôi chán nản, đi tới tối mịt mới về, bắt đầu hòa vào những cuộc vui bên ngoài với bạn bè, đồng nghiệp và những mối tình ngoài luồng. Không dừng lại ở đó, nhậu xong về anh thường mắng nhiếc và lôi tôi ra đánh. Bố mẹ chồng từ lâu không thèm nhìn mặt tôi, nên tôi rơi vào khủng hoảng, stress. Học vừa xong lớp 12 tôi viết đơn ly hôn, nhưng chồng tôi không ký, tôi quyết định đơn phương ly dị nhưng phải chờ. Lỡ một lần đò, tôi tủi thân mỗi khi chứng kiến hạnh phúc của bạn bè quanh mình. Nhưng việc mình đã làm thì mình phải chịu, tôi dần đơn giản hóa nỗi buồn với suy nghĩ sẽ tập trung lo cho con, vừa thi vào khoa Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Sài Gòn.

Tôi gặp và quen Kelvin, người Singapore, qua nhóm bạn thân. Biết chuyện tôi, anh không cảm thông suông mà còn giúp tôi thuê luật sư để dứt khoát với chồng cũ. Thấy tôi ham học, Kelvin lo cho tôi qua Singapore tiếp tục học cao đẳng ngành quản trị kinh doanh. Vào dịp trung thu năm ngoái, Kelvin ngỏ lời cầu hôn. Chúng tôi tổ chức đám cưới đúng dịp kỷ niệm 3 năm quen nhau. Kelvin đã giúp tôi lấy lại tinh thần. Tôi đã tìm được hạnh phúc. Với tôi, Kelvin không chỉ là chồng mà còn là người bạn và là ân nhân.

Tốt nghiệp cao đẳng ngành quản trị kinh doanh, sẵn đà, tôi quyết định học thêm 2 bằng nữa là kế toán và ngân hàng. Nhớ lại quãng đời trước đây, tôi không còn buồn nữa, chỉ cảm thấy xấu hổ, nhưng cũng nhờ vậy mà giờ tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi đã sai với cuộc hôn nhân vội vàng khi còn quá trẻ, nhưng cũng thật may mắn khi tôi quyết định chọn học tiếp, và lựa chọn ấy đã ít nhiều giúp tôi có được cuộc sống tốt hơn. Tuy vậy, không phải ai cũng được may mắn như tôi.

Từ cuộc ly hôn của mình, tôi thấy ở Singapore người ta giáo dục nhận thức về giới tính rất sớm và rất kỹ. Học sinh của họ vì vậy hướng tới lối sống lành mạnh, hầu như không thấy những trường hợp kết hôn vội vàng chỉ vì có thai, bỏ lại tương lai phía sau. Ở Singapore hầu hết người ta chỉ kết hôn khi vững vàng về tài chính, không phụ thuộc bố mẹ hai bên. Và có lẽ cũng chính vì thế họ biết quý trọng giá trị của hôn nhân. Cưới sớm, cưới khi còn là những đứa trẻ không nghề nghiệp, không nhà cửa, không thu nhập ổn định, sống chung với cha mẹ kiểu làm dâu ở rể, không thể tự lập, cho nên rất dễ phát sinh mâu thuẫn, rạn nứt dẫn đến ly hôn.

Quỳnh Như ghi


Chị Huyền Trân, 25 tuổi, công nhân tại Bình Dương: Kết thúc để bắt đầu

Hôn nhân gãy đổ dù sớm hay muộn là chuyện không may của bất kỳ ai. Riêng tôi đã ly dị sau khi vừa kết hôn mới… 2 tháng. Nhưng giờ đây nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy mình được giải phóng.

Chỉ biết yêu nhau rồi cưới, chúng tôi không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm với nhau. Với quan điểm tiền ai nấy giữ, chồng tôi không có trách nhiệm gì với gia đình, với người vợ mới cưới, có bao nhiêu, anh gom góp gửi về cho bố mẹ mình và hoàn toàn không thông qua tôi. Chưa hết, anh còn muốn nắm giữ, quản lý cả tiền bạc của tôi nữa. Tôi không thể chấp nhận, không chịu nổi như thế nên quyết định ly hôn trước khi quá trễ.

Theo tôi, ly hôn là chuyện bất đắc dĩ nhưng không hẳn là đường cùng, ngõ cụt, mà đó chính là bài học đáng quý của tuổi trẻ nông nổi, để sau này có những lựa chọn đúng cho mình. Cuộc sống của tôi thế nào sau ly hôn? Tôi học cách yêu thương bản thân và không để mình lệ thuộc người khác. Theo tôi, hạnh phúc phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Khi không tôn trọng nhau nữa thì nên biết cách buông tay nhau trước khi những bất đồng, rạn nứt trầm trọng đến mức không thể cứu vãn. Cầm lên được thì phải buông xuống được, kết thúc để bắt đầu, còn hơn là cắn răng, cúi đầu chịu đựng, để rồi đổ vỡ vẫn hoàn đổ vỡ…


Ly hôn là giải thoát?

Chuyên gia Tâm lý Phạm Thị Thúy
Phòng Tham vấn Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM:

Theo tôi, ly hôn không phải “xu thế của thời đại”, mà đến một lúc nào đó, khi xã hội phát triển văn minh, hiện đại hơn, con người sẽ càng biết trân trọng gia đình. Do một số nguyên nhân xã hội khiến ly hôn đang ngày càng tăng, cụ thể như sự bình đẳng giới ngày càng phổ cập và lan rộng, khiến phụ nữ càng ý thức được quyền của mình, và khi thấy hôn nhân không mang đến hạnh phúc nữa, họ sẽ chủ động ly hôn. Kế tiếp, yếu tố phụ nữ tham gia thị trường lao động, nhất là phân khúc lao động bậc cao, ngày càng nhiều cũng làm gia tăng nguy cơ tan vỡ do phụ nữ ít có thời gian chăm sóc gia đình, chồng con như trước. Ngoài ra, sự cởi mở trong quan hệ nam nữ cũng khiến tình trạng ngoại tình tăng ở cả nam lẫn nữ, trực tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, và ly hôn là hệ quả tất yếu.

Về khủng hoảng sau ly hôn theo tôi là rất lớn. Mất điểm tựa, mất niềm tin, cô đơn, gánh nặng kinh tế, con cái, áp lực từ gia đình, bạn bè… rơi vào cả hai chứ không riêng gì phụ nữ. Vậy nên tôi nghĩ các cặp vợ chồng cần cân nhắc, cần đặt ra nhiều tình huống càng cụ thể càng tốt trước khi quyết định ly hôn. Đối cùng, nếu đã xác định hôn nhân không thể cứu vãn được nữa, thì điều cần nhất là dũng cảm chấp nhận, đối mặt với khủng hoảng.

Ngoài ra, khi hai người không còn yêu thương, tôn trọng nhau thì ly hôn thực sự là giải pháp. Bởi thời buổi hiện tại quyền tự do của mỗi người ngày càng được tôn trọng, đề cao, nếu sống chung mà cứ khổ sở, dằn vặt thì ly dị còn hơn cả giải pháp, mà là giải thoát, trong đó có con cái. Người ta thường chỉ đề cập khía cạnh con cái khổ sở, hư hỏng vì cha mẹ ly dị, nhưng hầu như ít ai nói tới con cái có cha mẹ không ly dị nhưng thường xuyên bất hòa, cả đời hành hạ thể chất, tinh thần lẫn nhau.

Cá biệt, có những người coi việc đòi đưa vợ (hoặc chồng) ra tòa ly dị như một sự trừng phạt hoặc thách thức người bạn đời của mình, chứ chưa suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Và rồi trong cơn nóng giận, lời qua tiếng lại hoặc nếu lặp lại nhiều lần thì rất khó tránh khỏi việc ly dị trở thành sự thật. Chính vì vậy, theo tôi, vợ chồng cần có những cuộc đối thoại thật nghiêm túc về tương lai gia đình, con cái sau ly hôn. Rằng con cái thực sự cần gì, và sau khi cha mẹ bỏ nhau chúng thực sự còn lại gì… Sau cùng để cuộc sống gia đình bền vững, rất cần vợ chồng yêu thương, chấp nhận, tôn trọng, và cùng chia sẻ những giá trị chung. Nếu thiếu một trong 4 yếu tố đó thì gia đình tất sẽ khủng hoảng, tan vỡ.

Võ Thắm ghi

Tin cùng chuyên mục