"Không ngờ mâm cơm của nhà L. cúng ông bà chiều ba mươi chỉ có một tô canh, một quả trứng gà luộc. Không mấy ai biết làm cô giáo lại nghèo khổ thế”. Đấy là câu chuyện của một cô giáo kể về một cô giáo khác, sau cái tết năm ngoái. Còn năm nay? “Chắc vẫn vậy thôi. Chồng hắn bệnh, nằm lệt bệt hoài. Con hai đứa nhỏ xíu, một tay hắn xoay xở chỉ bằng đồng lương thì tết cũng sẽ giống ngày thường”, chị giáo viên ở Sài Gòn kể chuyện về đồng nghiệp đang dạy ở Bình Phước với vẻ trầm ngâm.
Thử vào Google, gõ cụm từ “chậm lương giáo viên” bạn sẽ nhận những kết quả buồn. Hà Giang, Quảng Trị, Tiền Giang, Đồng Tháp…, trải dài đất nước đều có thể gặp những tình cảnh mệt mỏi của người làm thầy trong cuộc mưu sinh. “Nghề bán phổi”, cái tóm tắt rười rượi buồn ấy về nghề giáo, ở thời điểm này, vẫn chưa là cũ kỹ. Và sẽ không là bất ngờ, nếu mâm cơm cúng ông bà chiều ba mươi của thật nhiều nhà giáo vẫn chỉ toàn những lặng lẽ và khắc khoải.
Những báo cáo về giáo dục cả năm đều có nhiều con số thống kê. Nhưng không có con số nào kể được câu chuyện về mâm cơm cúng trống vắng đến nao lòng. Đến cả một chuyện thiêng liêng là tưởng nhớ tổ tiên mà nhà giáo nghèo cũng không thể cố mà tươm tất nổi.
Ở đô thị, những ngày cuối năm không khí chuẩn bị tết rộn rã. Những bài hát đón xuân sang vang vọng. Sẽ không nhạc sĩ nào dằn được lòng mà viết được bài hát về chuyện chậm lương, về cuộc sống nheo nhóc của đời nhà giáo. Cả những bài báo nữa, đánh động được một khoảnh khắc rồi mọi thứ vụt vèo qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa đề nghị dành thời gian trong giờ vàng phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương để gióng trống nhắc việc học cho con em. Và mong rằng cũng sẽ có một hành động cụ thể để “gióng trống” vào sự quan tâm của toàn xã hội dành cho những thầy cô giáo đang nghèo và khổ. Trồng người là việc trọng cho trăm năm, và người làm chuyện ấy ít ra cũng không phải cứ mãi chạnh lòng cho mâm cơm cúng chiều ba mươi tết nữa.
“Dành một ngày lương chia sẻ với thầy cô giáo”, ý tưởng này phải chăng là có thể làm được ngay?
Vũ Thượng