Mang niềm vui đến cho đồng đội

Mang niềm vui đến cho đồng đội

Đón chúng tôi ở bến nước là một người đàn ông mặc bộ đồ pyjama nhàu nhĩ với bước đi chập chững. Căn chòi ở mép cửa rừng phòng hộ ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ TPHCM trống huơ trống hoác. Dù biết chuyện từ trước, chúng tôi vẫn sững sờ, ái ngại với vết thương nơi chân trái của ông.

  • Quan tâm sâu sắc

Binh nhất Nguyễn Trung Tiến là người huyện Cần Giờ. Cuộc sống từ nhỏ quen gió sương miền rừng biển nên Tiến hòa nhập rất nhanh với sinh hoạt và công tác tại Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TPHCM (Hải đội 2).

Trung tá Ngô Thanh Bình, Chính trị viên, Hải đội 2, cho biết: “Tiến luôn an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuối năm 2010, chúng tôi phân công Tiến đi bảo vệ khu rừng phòng hộ mà đơn vị nhận khoán. Sau chuyến đi, ban chỉ huy đơn vị cho đồng chí Tiến tranh thủ về thăm gia đình. Mọi chuyện bắt đầu từ đây!”. Khi trở lại đơn vị, Tiến phờ phạc người và có biểu hiện lơ là với công việc.

Mang niềm vui đến cho đồng đội ảnh 1

Trung tá Lê Doãn Tấn, Hải đội trưởng Hải đội 2 đến thăm ba của binh nhất Nguyễn Trung Tiến

Trung tá Nguyễn Tam Thức, cán bộ Hải đội 2, bồi hồi kể lại: “Thông thường thì anh em đi tranh thủ xong rất vui vẻ, nhưng Tiến thì ngược lại. Người ốm, xanh xao và không tập trung công việc. Qua tìm hiểu, ba của Tiến, trụ cột trong gia đình, đang bị một vết thương khá nặng ở chân không thể đi cắt lá mướn được. Chỉ huy đơn vị liền cử tôi về gia đình Tiến để tìm hiểu thêm.

Ông Phạm Văn Bảy, ba của Tiến, bị lá dừa nước cứa vào ống quyển trong một lần đi cắt lá mướn. Không biết vết thương ban đầu ra sao, nhưng khi chúng tôi đến nhà thì vết thương đã sưng tấy, lan rộng hơn 10 phân và ăn sâu vào tận xương”. Ban chỉ huy đơn vị liền đưa xuồng máy đến nhà để đưa ba của Tiến về Bệnh viện huyện Cần Giờ. Vết thương quá nặng, Bệnh viện huyện Cần Giờ làm giấy chuyển lên tuyến trên. Đích thân trung tá Hải đội trưởng Lê Doãn Tấn đưa ba của Tiến về Bệnh viện Ung bướu và thực hiện mọi thủ tục. Trước đó đơn vị đã tổ chức vận động cán bộ, chiến sĩ và trích quỹ hơn 5 triệu đồng hỗ trợ phần nào viện phí. Ba Tiến được mổ cấp cứu vì nếu chậm trễ sẽ bị tháo khớp.

  • Giúp đỡ đến cùng

Một lần nữa, Hải đội 2 lại tổ chức vận động cán bộ, chiến sĩ và trích quỹ để đưa ba của Tiến trở lại bệnh viện. Đơn vị còn bố trí người chăm sóc ông Bảy trong gần một tháng điều trị ở bệnh viện. Một chuyện khó lại được đặt ra, nếu ông Bảy trở về và tiếp tục đi cắt lá mướn thì vết thương sẽ không thể nào lành. Đơn vị liền liên hệ với lãnh đạo rừng phòng hộ và ông Bảy được nhận làm bảo vệ rừng.

Căn chòi nhỏ ở cửa rừng phòng hộ quá trống trải. Ông Bảy cười rất tươi và lững thững đón chúng tôi ở bến nước. Dù đã biết chuyện nhưng chúng tôi vẫn không khỏi sững sờ với vết thương ở cẳng chân trái của ông Bảy. Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ da ở khu vực vết thương bị nhiễm trùng; lấy da ở mông, đùi cấy vào khu vực đã cắt ở vết thương. Da ở khu vực đó mỏng dính. Hiện vẫn còn một vết lõm nhỏ dài khoảng 3 phân, sâu hoắm. Gần 20 phút sau, Tiến cũng về đến căn chòi của cha mình. Mắt ngó trân trân về cánh rừng ngập mặn xa xa, Tiến tâm sự: “Nếu em không đi bộ đội và nếu em không về Hải đội 2 công tác thì không biết hôm nay ba của em sẽ ra sao. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình em không thể nào lo được cho ba em. Vết thương quá nặng và chuyện tháo khớp là chắc chắn. Lúc đó, em buồn quá chẳng biết tâm sự với ai và cũng chẳng biết kêu cứu ai. Trong giây phút hoang mang đó, em đã trốn đơn vị để về nhà lo cho ba. Các chú đã vận động em trở lại đơn vị và tận tình lo cho ba của em. Em và gia đình mang ơn bộ đội biên phòng và Hải đội 2 suốt đời!”.

Mây đen vần vũ kéo đến, chúng tôi vội vàng chia tay ông Bảy. Tiễn chúng tôi ở bến sông, ông Bảy bùi ngùi cho biết: “Dù các chú ở hải đội đã tận tình giúp đỡ, nhưng do chi phí quá cao nên tôi có đi vay mượn thêm một số tiền để chữa trị vết thương. Tôi làm bảo vệ rừng được hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay mỗi tháng tôi phải trích 1 triệu đồng để trả nợ!”. Lại thêm một khó khăn đè nặng lên gia đình ông Bảy…

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục