"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” và vô cùng bi kịch nếu bị tù mà không có tội. Vậy mà đã có người bị hàm oan đến chục năm. Nỗi đau đớn thể xác, sự mất mát của cải, tài sản là không nhỏ, nhưng cũng không thấm gì so với nỗi đau tinh thần, sự mất mát về uy tín, danh dự, tình cảm gia đình. Có những cuộc đời đã bị rẽ sang một hướng hoàn toàn khác đầy bi kịch bởi một quyết định oan nghiệt của cơ quan có thẩm quyền, của người có trách nhiệm. Sự đền bù vật chất và lời xin lỗi cũng chẳng đến một cách dễ dàng và thường rất muộn màng, không thể bù đắp được phần nào những mất mát, thiệt thòi mà người bị oan sai và gia đình họ phải gánh chịu.
Có thấu được sự mất mát đó mới thấy sự tai hại, nguy hiểm của một văn bản quyết định đến số phận của bao nhiêu con người. Mọi thứ sẽ bị đổ sụp nếu quyết định đó được đưa ra một cách tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm, vô cảm, chưa nói đến những quyết định được ban ra do có tiêu cực (sự tác động, lôi kéo của ai đó liên quan). Đâu phải giam người ta vài tháng, vài năm, thậm chí vài ngày, “thấy” không có tội rồi thả thì không có hệ lụy gì đáng kể, kỳ thực bản thân người đó và gia đình họ đã bị đẩy xuống vực thẳm của số phận. Bản thân những người trực tiếp ký hoặc tham mưu các quyết định đó sẽ nghĩ sao nếu chính mình hoặc thân nhân của mình là nạn nhân của các quyết định sai lầm đó?
Sẽ là không tưởng nếu như đòi hỏi không có sai lầm. Nhưng chắc lương tâm của những người mắc sai lầm sẽ nhẹ nhàng hơn, số người bị oan sai cũng sẽ giảm đi nếu như các quyết định liên quan đến số phận một con người được cân nhắc thấu đáo, được cân đo một cách cẩn thận. Ở đây, nguyên tắc suy diễn vô tội (có lợi cho bị can, bị cáo) cần phải được thực hiện một cách triệt để. Trách nhiệm của người tham gia điều tra, tố tụng phải chứng minh tội của bị can, bị cáo bằng các phương pháp khoa học, chứ không phải quy chụp, mớm cung, ép cung, nhất là dùng nhục hình.
Nếu không chứng minh được hành vi phạm tội, thì phải xem người đó vô tội và đối xử với họ như là người vô tội. Nếu đã phát hiện ra sai lầm thì phải mạnh dạn thừa nhận sai lầm và nhanh chóng sửa sai chứ không được trì hoãn, nhất là không được sửa cái sai này bằng một cái sai khác (như trường hợp không chứng minh được người cha mang tội giết con thì đẩy cho ông ta tội vu khống, chống người thi hành công vụ). Việc sửa sai phải thực sự cầu thị và nhân văn, không được tránh né và cũng không được nửa vời.
Trong quản lý, một quyết định hành chính luôn có tác động đến đời sống của không ít người dân; trong tư pháp, một quyết định tư pháp tuy không ảnh hưởng nhiều người như quyết định hành chính nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến một số người. Việc quyết định tạm giam, bắt giữ khẩn cấp, đưa ra lời buộc tội… cần phải xem là đóng vào người đó một mũi đinh; nếu có sai sót, nhầm lẫn, dù rút mũi đinh đó ra rồi thì máu cũng đã chảy, người đó cũng đã bị đau đớn và để lại một vết sẹo không thể xóa mờ, thậm chí vết sẹo đó còn “lây lan” đến nhiều người trong gia đình người đó. Vì vậy, các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) phải hết sức thận trọng khi ban hành các quyết định có liên quan đến số phận người dân, xin đừng vô cảm với các quyết định đó!
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)