LTS: Thực phẩm bẩn, độc hại không ngừng được phanh phui khiến người tiêu dùng lo ăn gì cũng dính độc. Nhiều bài viết gởi đến Báo SGGP nêu đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp, trách nhiệm ngăn chặn thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người dân.
Thịt thối liên tục tấn công bàn ăn: Quá hãi hùng!
Thật hãi hùng khi đọc thông tin nhà hàng Minh Khánh (xã Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đãi tiệc cưới bằng thịt thối. Sau khi thưởng thức món gà hấp và thịt heo, thực khách phát hiện thức ăn bày ra có mùi hôi thối khó chịu, gần 300 khách mời phải nôn ọe, một số bỏ ra về.
Trước đó một tháng, tại Dĩ An, nhà hàng A11 cũng thết đãi đám cưới bằng thịt thối. Vì quá bức xúc, thực khách đòi giữ lại bằng chứng xem thường “thượng đế” nhưng nhân viên nhà hàng vội vã thu dọn món ăn để phi tang. Vậy đường đi của thịt thối đã có địa chỉ và dư luận không thể không đặt vấn đề ai “bảo kê”, ai nới lỏng việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý không đến nơi đến chốn để thịt thối ngang nhiên tràn vào bàn ăn, bữa ăn của người dân?
Trở lại câu chuyện “cướp” 2,2 tấn thịt bò, thịt trâu thối mới đây tại tỉnh Đồng Nai, dư luận không thể không đặt vấn đề có chăng sự dễ dãi của cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai trong khâu xử lý, tiêu hủy số thịt thối này? Tại sao việc tiêu hủy thịt thối lại không bảo đảm quy trình và tiến hành một cách qua loa, chiếu lệ để những kẻ vô lương tâm dễ dàng “cướp lại” và chở đi tiêu thụ?
Có thể nói những vụ việc gần đây gây chấn động dư luận về thịt heo, thịt bò, lòng heo thối và thịt heo nhiễm độc tố, thủy hải sản nhiễm tạp chất, phân u rê… ngày một nở rộ về số lượng lẫn tính chất hãi hùng. Trước sự xảo trá, ma mãnh, đối phó tinh vi của những kẻ hám lợi, sẵn sàng hô biến thịt ôi, thối thành thịt tươi nhờ chất tẩy (săm pết) và đưa vào bàn ăn như quán ăn, nhà hàng… thì làm sao “thượng đế” có thể tự bảo vệ mình? Chúng tôi - người tiêu dùng - đã quá chán nản trước những lời khuyên phải thông thái, khôn ngoan lắm rồi! Chỉ mong chờ ngành chức năng, chính quyền các cấp vào cuộc thật mạnh, xử lý thật nghiêm tội ác tày trời này. Cần phải rà soát lại các quy định cũng như có biện pháp chế tài nghiêm trong việc kiểm soát nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm, thủy hải sản lưu hành tiêu thụ trên thị trường. Nếu phát hiện các sản phẩm thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả… không có nguồn gốc rõ ràng và bị nhiễm độc, thiếu an toàn thì phải truy tận gốc để xử lý và tiêu hủy ngay.
Trong khi dư luận và người dân nóng lòng, bức xúc từng ngày thì sự trở bộ của các cơ quan bảo vệ luật pháp lẫn cơ quan chức năng quá chậm. Những hành vi gieo rắc tội ác, những hành vi cố ý hủy hoại sức khỏe, thể lực của người dân quá rõ, vậy mà các cơ quan chức năng vẫn cho rằng thiếu quy định để xử lý hình sự. Tại sao đến giờ này Luật An toàn thực phẩm đã đi vào cuộc sống nhưng Nghị định hướng dẫn thực thi lại chưa có? Phải chăng vì sự bất cập này nên tội ác nêu trên vẫn lộng hành?
Để xử lý nghiêm những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo các bộ ngành chức năng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những hành vi vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải lập lại trật tự, kiểm soát tận gốc xuất xứ, đường đi của thực phẩm - thịt cá, tôm, mực… Thời gian qua, mức xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này quá nhẹ (cao nhất chỉ vài chục triệu đồng/lượt) nên khiến sinh ra tình trạng “lờn thuốc”. Vì thế, cần rà soát lại hệ thống luật pháp, bổ sung vào luật những quy định để xử lý hình sự đối với những hành vi kinh doanh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm, thủy hải sản thiếu an toàn, mất vệ sinh.
Không để sản phẩm không đạt chuẩn đến tay người dân
Gần đây báo chí phát hiện nhiều vụ sử dụng chất cấm trong kinh doanh thức ăn, như thịt heo có chất tạo nạc, lòng heo thối… Còn trước đó báo chí đã phanh phui nhiều vụ như trái cây để 2 tháng vẫn còn tươi, hành phi chiên từ dầu ăn bẩn, rau trồng sử dụng hóa chất cấm, gà có chất nhuộm cho vàng da… Liệu bây giờ người dân ăn gì mới không tránh khỏi chất độc hại? Trong một lần đi chơi với anh bạn là nhân viên cơ sở chuyên cung cấp nước uống đóng bình từ loại 500ml cho đến 20 lít, anh khuyên đừng nên dùng, giờ chỉ có uống nước đun sôi là chắc ăn nhất bởi không ít những nơi sản xuất nước uống tinh khiết chỉ đơn giản lấy nước ngầm đóng vào bình, chẳng có hệ thống tiệt trùng.
Từ nguồn nước cho đến đồ ăn cái gì cũng có chất độc, vậy người dân phải ăn gì để né tránh được đây? Thiết nghĩ khi một sản phẩm được tung ra thị trường tiêu thụ phải có cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, giám sát, không thể để những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vẫn đến tay người dân.
THANH HẢI (Quận 1)