
Chưa có chiến lược phát triển căn cơ Theo Bộ Thương mại, 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực tăng khá mạnh. Trong đó, gạo đạt 779 triệu USD (tăng 79 triệu USD so với kế hoạch cả năm và tăng 23,8% so cùng kỳ 2003), cà phê - 500 triệu USD (tăng 49,3%), cao su - 294 triệu USD (tăng 22,4%), điều nhân - 286 triệu USD (tăng 43,7%), hồ tiêu - 123 triệu USD (tăng 41,5%)… Tuy nhiên, dù có bước tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa có chiến lược phát triển căn cơ.
- Thương hiệu và chất lượng sản phẩm
Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu gạo (chỉ sau Thái Lan), cà phê (thứ 2, sau Brazil), hạt điều nhân (sau Ấn Độ), hồ tiêu đứng số 1 thế giới… Nhưng, theo Cục Nông nghiệp (Bộ NNPTNT), xét năng lực cạnh tranh, nhiều mặt hàng nông sản của ta còn thua kém so với các nước. Trừ hạt điều, đa số các mặt hàng còn lại đều xuất thô, chưa chế biến và chưa có thương hiệu mạnh.
Trái cây Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc, trong đó có cả mặt hàng thế mạnh là thanh long Bình Thuận, nhưng trên thị trường không có tên thương hiệu. Tương tự, dù không ít khách hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới uống cà phê có nguồn gốc Việt Nam, nhưng chỉ biết có thương hiệu Nestlé, Kraft, Sara Lee, Procter & Gamble và Tchibo.

Thu hoạch hồ tiêu ở Phú Quốc.
Ảnh: Đ.C.P.
Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu, trước hết các mặt hàng nông sản chủ lực phải có chất lượng ổn định và lượng hàng hóa lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng, để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với các nước, cần phải có giống ngon thay thế giống bị thoái hóa và hình thành các hợp tác xã trái cây… để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn.
Về giống mới, có thể nói, ngành điều đã có bước đi khá sớm so với các loại cây khác. Nhưng theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội cây điều Việt Nam, hàng năm ngành điều vẫn phải nhập khẩu 50.000 - 70.000 tấn điều thô về chế biến. Riêng cây cà phê, nhu cầu tiêu dùng thế giới thiên về cà phê chè (Arabica), trong khi, cây cà phê của ta chủ yếu là cà phê vối (Robusta), cần phải thay đổi cơ cấu, đưa tỷ lệ cà phê chè lên 20% - 25% trong số khoảng 400.000 ha cà phê hiện có.
- Chiến lược cho những cây có thế mạnh
Trong số những mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu, có thể nói cây điều và hồ tiêu là 2 mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh rất lớn, nhưng lại không được chú ý tập trung đầu tư như những cây con khác. Ông Nguyễn Thái Học cho rằng, cây điều có 2 lợi thế, không bị cạnh tranh bởi cây trồng khác và có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Cần thay đổi giống điều cao sản, quy hoạch cho cây điều ở các tỉnh, theo hướng, không tăng diện tích mà tăng năng suất. Và cần đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao công nghệ chế biến, nhất là khâu tự động hóa khâu tách hạt, bóc vỏ lụa…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến hồ tiêu đã nâng dần tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu, áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu (hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai và hồ tiêu Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Hiện nay, việc xuất khẩu hồ tiêu qua nước trung gian như Singapore… giảm từ 70% xuống còn 7%. Tuy nhiên, hiện Nhà nước chưa có chiến lược về việc phát triển toàn diện cho loại cây trồng đầy tiềm năng này. Giống và bảo vệ thực vật cho cây hồ tiêu gần như là con số không trong chiến lược nghiên cứu. Đây là điều cần nhanh chóng khắc phục.
CÔNG PHIÊN