Mặt trái cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Yemen

Sau thời gian tạm ngưng cuộc chiến chống khủng bố ở Yemen, gần đây Mỹ tiếp tục hợp tác với quân đội Yemen tiến hành các chiến dịch không kích rầm rộ nhằm tận diệt chi nhánh Al-Qaeda. Nhưng báo chí Mỹ cho biết nếu chỉ giết chóc thì Mỹ dường như đang sai lầm trong sứ mệnh chống khủng bố. Những trận chiến “ăn miếng trả miếng” không chỉ làm hai phe thiệt hại mà người dân cũng chịu liên lụy.
Mặt trái cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Yemen

Sau thời gian tạm ngưng cuộc chiến chống khủng bố ở Yemen, gần đây Mỹ tiếp tục hợp tác với quân đội Yemen tiến hành các chiến dịch không kích rầm rộ nhằm tận diệt chi nhánh Al-Qaeda. Nhưng báo chí Mỹ cho biết nếu chỉ giết chóc thì Mỹ dường như đang sai lầm trong sứ mệnh chống khủng bố. Những trận chiến “ăn miếng trả miếng” không chỉ làm hai phe thiệt hại mà người dân cũng chịu liên lụy.

  • Cách tiếp cận sai lầm

Giữa tháng 3-2012, Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự lớn kéo dài 5 ngày, tiêu diệt ít nhất 60 phiến quân Al-Qaeda. Các cuộc tấn công có sự tham gia của tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và phần lớn diễn ra ở tỉnh Abyan, thuộc vịnh Aden, nơi được coi là mặt trận mới và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong năm qua, hàng ngũ của Al-Qaeda ở đây đã tăng đáng kể. Có ít nhất 5 thành phố đang bị mạng lưới khủng bố này kiểm soát.

Mặc cho các chiến dịch rất quy mô của Mỹ, dường như Al-Qaeda đang bành trướng thêm chứ không suy yếu. Những người dân Yemen sống ở khu vực nghèo khó này từ lâu đã bị chính quyền trung ương bỏ quên, cho biết Al-Qaeda mang lại sự yên ổn cho họ. Một lái buôn địa phương khi được các phóng viên nước ngoài hỏi “chính quyền” mới có tốt không, đã trả lời rằng: “Rất tốt. Rất an toàn. Tôi thậm chí không cần khóa cửa hiệu khi đi đâu”.

Gregory Johnsen, chuyên gia về Yemen tại Đại học Princeton (Mỹ) nhận định các hoạt động quân sự mới của Mỹ đã mang lại hậu quả không mong đợi. Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ ở Yemen đã khiến cuộc chiến chống Al-Qaeda sa lầy. Chiến lược chống khủng bố cũng như các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết nhiều thường dân. Điều này làm hình ảnh của người Mỹ ngày càng xấu đi trong mắt người dân nơi đây, vô tình đẩy họ vào vòng tay “che chở” của Al-Qaeda.

Tỉnh Abyan có tỷ lệ thất nghiệp cao, người dân nghèo đói và đa phần mù chữ, là “môi trường tốt” để các nhóm cực đoan phát triển. Jaar, thành phố đầu tiên bị Al-Qaeda “cai trị” sau phong trào biểu tình lật đổ sự chuyên quyền 34 năm của Tổng thống Ali Abudullah Saleh, cũng là cái nôi của Al-Qaeda. Vì thế, Jaar là mục tiêu quân sự hàng đầu của liên quân Mỹ - Yemen.

Trong chuyến thăm hiếm hoi của một phóng viên nước ngoài đến Yemen vào ngày 5-3, một ngày sau khi phiến quân tấn công căn cứ quân sự Yemen bên ngoài Zinjibar, thủ phủ tỉnh Abyan, giết chết hơn 150 binh sĩ và bắt giữ 73 người. Phóng viên này đã quan sát đời sống người dân ở đây. Những lá cờ đen trắng của Al-Qaeda cắm tại mọi lối vào thành phố. Các binh sĩ Al-Qaeda được trang bị AK-47 và lựu đạn giắt quanh người lái mô tô tuần tra khắp nơi. Mặc dù bị kiểm soát chặt nhưng người dân thành phố lại hài lòng và cho biết Al-Qaeda đã cung cấp tốt những dịch vụ thiết yếu như điện, thực phẩm, nước và cả y tế.

Trong lúc phóng viên đang hỏi chuyện các lái buôn thì một cụ già có chòm râu đỏ chen ngang: “Tại sao các máy bay (không người lái của Mỹ) liên tục xuất hiện? Âm thanh ù ù của nó khiến chúng tôi khó chịu và lo sợ các cuộc không kích có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Giới quan sát nhận định dân cư nghèo khổ của Jaar là những người đang bám vào bất kỳ sự bảo trợ nào mà họ nghĩ là an toàn và ổn định.

Một bức tường đầy vết đạn ở Sanaa - vết tích của những cuộc đối đầu giữa Chính phủ Yemen và các tay súng Al-Qaeda.

Một bức tường đầy vết đạn ở Sanaa - vết tích của những cuộc đối đầu giữa Chính phủ Yemen và các tay súng Al-Qaeda.

  • Mỹ đang sa lầy?

Trong khi đó, với Mỹ, việc Al-Qaeda kiểm soát Jaar là vấn đề an ninh quốc gia và họ tập trung hợp tác với quân đội Yemen để tiêu diệt khủng bố. Ngày 25-12-2009, kế hoạch đánh bom trên chuyến bay Northwest 253 khởi hành ở TP Detroit, Mỹ, bất thành. Âm mưu này được cho là của nhóm Al-Qaeda ở Yemen. Ngay sau đó, ngoài việc thắt chặt an ninh ở các sân bay trong nước, Mỹ đã tiến hành ít nhất 21 cuộc tấn công các khu vực mà Al-Qaeda kiểm soát ở Yemen.

Tuy nhiên, hơn 1 năm sau đó, ngoài Zinjibar, Al-Qaeda lại chiếm giữ thêm 3 thành phố Shaqra, Rawdah và Azzan. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus phải thừa nhận rằng những nơi này đã trở thành “khu vực nguy hiểm nhất của chiến trường chiến tranh Hồi giáo”.

Theo hãng AP, Al-Qaeda đang lợi dụng sự khủng hoảng chính trị và an ninh ở Yemen để nổi dậy nhằm kiểm soát khu vực rộng lớn miền Nam. Vì thế, các cuộc tấn công của Al-Qaeda ngày càng táo bạo về quân sự. Sau ngày Tổng thống Abd Rabbo Monsour Hadi nhậm chức (25-2-2012), Al-Qaeda đã gây ra một loạt các vụ đánh bom khắp Yemen. Chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen bác bỏ sự chuyển giao quyền lực này và không chấp nhận sự lãnh đạo của chính quyền trung ương.

Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Hadi đã nêu lập trường rõ ràng của Sanaa: “Chúng tôi đang nỗ lực tận diệt Al-Qaeda ở bất cứ đâu”. Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố này chỉ nhằm xoa dịu “đối tác” là Mỹ vì rõ ràng ông Hadi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Thứ nhất, các tướng lĩnh cấp cao nhất của quân đội Yemen chủ yếu vẫn là người thân với gia đình cựu Tổng thống Saleh.

Thứ hai, ông Hadi phải nỗ lực vực dậy nền kinh tế đình trệ và ngăn nạn đói xảy ra khi giá lương thực đang tăng quá cao. Ngoài ra, ông Hadi còn phải đối mặt với các phong trào đòi ly khai ở miền Nam và miền Bắc Yemen.

Chuyên gia Johnsen nhận xét: “Hiện tại, việc nhà nước Yemen chưa vững và gặp nhiều khó khăn sẽ tạo thuận lợi cho các nhóm Hồi giáo phát triển mạnh. Và Mỹ nên xem xét việc tiếp tục tăng cường không kích hay thay đổi hoàn toàn chính sách: hỗ trợ Yemen giải quyết mọi vấn đề chứ không chỉ mang bom đạn tới tiêu diệt Al-Qaeda”. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục