Mất vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng

Nơi thừa, nơi thiếu
Mất vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng

Tại TPHCM, đã có nhiều nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được lắp đặt. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch đã tạo nên một nghịch lý, nơi nhiều người cần thì không có, mà nơi có lại ít ai cần. Nhiều NVSCC lại rất mất vệ sinh. Do vậy, tình trạng phóng uế bừa bãi nơi công cộng gây ô nhiễm, mất mỹ quan và văn minh đô thị vẫn diễn ra.

Nhà vệ sinh công cộng ở công viên 23-9 (quận 1, TPHCM) trở thành quán tạp hóa và bán cà phê.

Nhà vệ sinh công cộng ở công viên 23-9 (quận 1, TPHCM) trở thành quán tạp hóa và bán cà phê.

Nơi thừa, nơi thiếu

Trên địa bàn TPHCM có khoảng 170 NVSCC được lắp đặt trên nhiều tuyến đường, công viên. Có điểm có thu phí, cũng có điểm miễn phí, chủ yếu phục vụ khách vãng lai, khách du lịch. Tuy nhiên, đa số các NVSCC này chưa đảm bảo vệ sinh, kém mỹ quan. Trên địa bàn quận 1 - khu vực trung tâm TP - có hơn 40 NVSCC được đặt ở các công viên, làm bằng chất liệu composite, được thiết kế theo dạng thùng nhỏ. Do cấu tạo khá nhỏ nên ít người sử dụng, nhất là du khách nước ngoài với thân hình to lớn, rất khó sử dụng. Tại công viên 23-9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) có 5 NVSCC nằm gần nhau, có điểm đông người sử dụng, có điểm không ai lui tới vì địa điểm không thuận tiện. Riêng trên vỉa hè đường Phùng Khắc Khoan (quận 1) từ ngã tư Trần Cao Vân đến ngã ba Điện Biên Phủ chỉ khoảng 500m, có đến 2 NVSCC. Nhưng ít ai dám vào, vì e không đảm bảo an toàn khi thấy ở cửa có dán giấy cảnh báo: “Khóa xe cẩn thận, coi chừng mất xe”.

Cũng trên địa bàn quận 1, có những nơi đông du khách nhưng thiếu NVSCC như khu vực quanh nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TPHCM. Bạn đọc Thu Giang - một nữ hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa du khách tham quan tại đây - phản ánh: “Tôi thường nghe khách hàng than phiền về chuyện NVSCC, nhiều nơi không có NVSCC; những nơi có lại quá nhếch nhác, mất vệ sinh, đến nỗi du khách vừa bước vào đã vội quay trở ra lắc đầu ngán ngẩm”.

Hiện tại, các NVSCC trên địa bàn TPHCM chỉ được lắp đặt tập trung ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 4… còn lại những quận ven và huyện ngoại thành bị thiếu trầm trọng. Dạo quanh những con đường Hồng Bàng (quận 5), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình)… người đi đường khó có thể tìm được NVSCC. Trên con đường Hùng Vương, suốt từ quận 5 đến quận 10, chỉ có duy nhất một NVSCC nằm ngay chợ An Đông nhưng lại bị hàng quán bao vây. NVSCC dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) luôn vắng hoe. Chị Minh - quản lý NVSCC này - cho biết: “Khu vực này có ít du khách, lại là tuyến đường một chiều, ít người ghé vào để đi vệ sinh”. Trong khí đó, khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) với quy mô tập trung hàng chục ngàn người sinh sống, nhưng lại không có một NVSCC nào. Vì không có NVSCC, nên nhiều người, đặc biệt là các tài xế xe tải và người chạy xe ôm thường phóng uế bừa bãi.

NVSCC không nước, không cửa

Bên cạnh tình trạng không hợp lý về điểm bố trí NVSCC, điều đáng bàn nữa là nhiều NVSCC lại không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí có những NVSCC nhếch nhác, dơ bẩn, không nước, không cửa, hoặc có cửa nhưng lại khóa không thể sử dụng. Các NVSCC có thu phí thường đi kèm là một ki-ốt bán tạp hóa, chứa nhiều đồ đạc khiến không gian ở đây vô cùng lộn xộn. Tại Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, các dãy NVSCC luôn trong tình trạng quá tải, đến mức phải xếp hàng chờ. NVSCC lại nằm ở phía ngoài đường, bị lấn chiếm bởi cánh xe ôm, taxi, người bán hàng rong. Bên trong bồn cầu ố bẩn, sứt vỡ, giấy vệ sinh vứt bừa bãi. Một hành khách phản ánh: “Khi đi vệ sinh xong, tôi yêu cầu xà phòng rửa tay thì người phụ trách trả lời không có. Vậy mà vẫn thu phí 2.000 đồng/lượt”.

Ở các công viên, tình trạng NVSCC cũng không khả quan hơn mấy. NVSCC tại công viên Tao Đàn (quận 1) bốc mùi hôi thối, phía bên trong bồn cầu bị mất nắp, vòi xả nước bị hỏng. Nhóm bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Tụi em thường tới công viên này chơi, nhưng không dám vào NVSCC ở đây, vì bẩn và hôi quá”. Thực trạng ở hầu hết NVSCC trên địa bàn TPHCM là bị xuống cấp trầm trọng, thiếu các thiết bị cần thiết, không được thường xuyên lau dọn sạch sẽ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân vẫn còn kém, nhưng đáng trách nhất là sự thiếu tổ chức quản lý chu đáo, chưa có quy hoạch tổng thể, việc xây dựng và lắp đặt NVSCC còn chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Rất cần liên kết đầu tư xây dựng, lắp ráp thêm nhiều NVSCC đạt chuẩn ở nhiều nơi, phải kết hợp giữa các thành phần kinh tế, nhiều lĩnh vực hoạt động như các nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cây xăng… để có nhiều NVSCC hơn nữa. Cùng với đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân. Ngoài ra, các ngành liên quan cũng nên chú trọng tìm ý tưởng kiến trúc NVSCC sao cho có được những thiết kế đảm bảo thẩm mỹ, tiện nghi, phù hợp với mọi người.

Quyết định 225/QĐ-TCDL năm 2012 quy định về tiêu chuẩn NVSCC phục vụ khách du lịch nêu rõ: NVSCC phục vụ khách du lịch phải đáp ứng điều kiện bảo đảm vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, ngoài ra còn có các tiêu chí khác như có biển báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đặt ở vị trí thuận lợi, trang thiết bị đầy đủ tiện nghi, thông thoáng, sạch sẽ và phải hoạt động 24/24 giờ.

PHAN ANH

Tin cùng chuyên mục