
Đám cưới là sự kiện đặc biệt ghi dấu tình yêu đôi lứa và khởi đầu cho cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, với không ít đôi trẻ, những sự cố không hay và mâu thuẫn trong gia đình cũng bắt đầu từ đây.

Lục đục từ đám cưới
Ngay từ đầu, phía nhà chồng đã tỏ rõ “muốn các con tự lập” nên vợ chồng H.Thúy ở quận 3, TPHCM, đã xác định rõ 2 đứa tự lo liệu chi phí đám cưới. Lương gộp lại chưa đầy 15 triệu đồng, lại phải lo mọi khoản từ sửa phòng, giường nệm, chăn ra cho đến đặt tiệc, thiệp, thuê đồ, chụp hình... nên cặp đôi phải dành dụm, tiết kiệm suốt 2 năm, chưa kể vay thêm bạn bè. Không nói ra, nhưng cả 2 đều hy vọng tiền mừng cưới sẽ giúp họ có một khoản nho nhỏ để trả nợ và sắm sửa thêm cho tổ ấm.
Tuy nhiên, sau đám cưới, ba mẹ chồng Thúy thẳng thừng cho biết sẽ lấy toàn bộ tiền mừng. “Bao nhiêu dự tính của vợ chồng tan thành mây khói, đã thế lại còn mang một đống nợ vì vay tiền bạn bè chuẩn bị đám cưới”, Thúy chua chát. Thúy ngỏ ý muốn xin danh sách mừng của bạn bè để sau này biết đường phúc đáp, mẹ chồng cô cũng không cho. Cô càng ức chế hơn khi bà đưa ra một danh sách dài ngoằng lên tới cả triệu đồng, từ tiền mua trà, bánh, hạt dưa cho đến tiền trang điểm cho người nhà chồng đi họ, bảo cô đưa tiền trả. Không dám phản ứng, Thúy chỉ biết trút hết mọi khó chịu, giận dữ lên người chồng mới cưới. Cuộc hôn nhân của 2 người bắt đầu bằng sự mệt mỏi, bực bội của Thúy và khoản nợ mấy chục triệu đồng...
Chung cảnh đám cưới chưa xong, đôi tân hôn đã lục đục là vợ chồng chị Hoài ở quận 6, TPHCM. Ngày rước dâu, cho rằng con dâu đã có bầu trước nên mẹ chồng dặn một người bà con kiên quyết dắt cô dâu vào nhà theo lối hẻm sau, đi vòng qua mấy nhà hàng xóm. Tủi hổ và ấm ức, lại thêm nỗi mệt mỏi với cơn ốm nghén, cô dâu không cười nổi trong suốt bữa tiệc. Đến khi đứng chào khách ra về, thấy mẹ chồng to nhỏ với mấy người bạn thân về cái bầu của con dâu, chị Hoài ôm mặt khóc rưng rức ngay trước mặt khách khứa. Khỏi phải nói, chiến tranh xảy ra ngay trong đêm tân hôn khi cô dâu cương quyết xách va ly nằng nặc đòi chồng ra khách sạn ngủ, bởi cô thấy mình không đủ tư cách và không được chào đón khi về làm dâu. Bố chồng và chồng Hoài thì trách nặng nề mẹ chồng, khiến bà cũng tức giận đóng sầm cửa “cố thủ” trong phòng...
Để ngày vui trọn vẹn
Để tránh những sự cố không đáng có làm ngày vui mất đi sự trọn vẹn, chuẩn bị chu đáo và có sự dự phòng cho những tình huống phát sinh, đồng thời thỏa thuận trước với 2 bên gia đình là việc các cặp đôi nên làm. Trước ngày cưới, nên trao đổi kỹ với cha mẹ 2 bên về phương thức đi lại, đón dâu và những nghi thức khác, đặc biệt là sự khác biệt trong văn hóa vùng miền. Với những vấn đề nhạy cảm như tiền mừng, tài chính, các cặp đôi cũng nên “nhỏ to” trước với cha mẹ 2 bên để tránh tình trạng “vung tay quá trán” và đổ nợ sau ngày trọng đại, hoặc ấm ức vì bị “tịch thu”.
“Trước đám cưới, mẹ chồng cho biết tiền mừng 2 cụ sẽ thu để lo trang trải, nên chi tiêu khoản nào bọn mình cũng cân nhắc kỹ, tiết kiệm tối đa. Tập gói ghém đi một chút cũng là học cách chi tiêu cho gia đình nhỏ sau này”, Minh Vy, một cô dâu ở Đà Nẵng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tâm lý, mới bước về nhà chồng, cô dâu nào cũng bỡ ngỡ và lo lắng, tâm lý cũng có phần xáo trộn, do vậy những “ngòi nổ” mâu thuẫn sau đám cưới phần lớn bắt nguồn từ đây. Do đó, người chồng phải nắm rõ tâm lý, thường xuyên trò chuyện để giải tỏa cảm xúc của vợ, đồng thời có sự chuẩn bị trước bằng cách làm “công tác tư tưởng” với người nhà, tránh đẩy người mới về vào trạng thái khó xử, mệt mỏi. Vợ chồng đồng lòng, vui vẻ ngay ngày đầu thì cuộc hôn nhân cũng có thêm những tín hiệu viên mãn, hạnh phúc.
DIỆU NHƯ