Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, quê ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là một trong những người trí thức miền Nam đến với cách mạng và đi theo Đảng từ khi còn rất trẻ.
Vốn thông minh, ham học nhưng cha bà cho rằng con gái học cho biết chữ là đủ rồi. Bà và mẹ năn nỉ nhiều tháng liền cha bà mới đồng ý cho đi học lên bậc trung học ở Trường Con Gái Bản Xứ tại Sài Gòn (còn gọi là Trường Áo Tím, bây giờ là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Và những năm tháng học dưới mái trường Áo Tím đã mở lối cho bà đến với cách mạng. Tôi không nhắc đến những sự đóng góp tâm sức và cả máu xương cho đất nước thân yêu của mẹ Bùi Thị Mè. Hôm nay, trước lúc vĩnh biệt mẹ, tôi chỉ muốn nói vài điều mà ít ai biết.
Năm 1975, với chức trách là Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh, mẹ Bùi Thị Mè đã góp phần chỉ đạo công tác y tế - xã hội - thương binh ở miền Nam, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng mấy ai biết, mẹ thực thi chức trách một cách cần mẫn và tận tụy để giúp đỡ, lo lắng cho nhiều người với tình thương đồng chí đồng đội, nhưng bản thân mẹ bao năm lặng lẽ đi tìm hài cốt 2 con trai thân yêu vẫn chưa tròn ý nguyện. Mấy mươi năm qua, những ngày giỗ con, mẹ vẫn lặng lẽ ngồi nhiều giờ liền bên mộ 3 người con trai hy sinh cách nhau hơn tuần lễ, khi tuổi đời còn rất trẻ, 3 ngôi mộ của Bé Hai - Nguyễn Huỳnh Sanh, Bé Ba - Nguyễn Huỳnh Tài và Bé Tư - Nguyễn Huỳnh Đại. Trong nắng chiều bạc thếch của nghĩa trang ngày giỗ con trai, dáng mẹ liêu xiêu, cùng tiếng thì thầm đau buốt tim của mẹ, khi vuốt ve 2 ngôi mộ gió. “Các con bây giờ đang ở đâu hỡi Bé Hai, Bé Ba của mẹ?”. “Chiến tranh, nào ai muốn chia ly, mất mát đâu, để giành được độc lập phải chấp nhận đổi bằng máu xương và tuổi trẻ”, mẹ nói với tôi khi kể về những cậu con trai thân yêu mà như nói với chính mình. Và trong những câu chuyện của mẹ với tôi những năm qua, thi thoảng có tiếng thở dài khi mẹ cho tôi xem hình 2 cô con gái tên Hòa, Bình và lúc nói về sự xa cách bất đắc dĩ quá lâu giữa mẹ và Hòa, Bình, trong những năm tháng chiến tranh.
Với cuộc đời, mẹ là một trong những người mẹ chịu nhiều hy sinh qua 2 cuộc chiến tranh. Trong 4 người con của mẹ đi tham gia kháng chiến, 3 người con là liệt sĩ, 1 người là thương binh. Nỗi mất mát trong chiến tranh không thể nào bù đắp được. Tuy nhiên, đối với một người trí thức đã quyết định đi theo cách mạng khi vừa 18 tuổi, cho đến 94 tuổi đời, niềm tin vào Đảng, với Bác Hồ, với Tổ quốc và nhân dân trong mẹ chưa hề phai nhạt.
Gần 40 năm qua, hầu như ai cũng quen với hình ảnh một bà mẹ miền Nam nhân hậu, hiền từ và giọng nói ngọt ngào, êm ái không chỉ có mặt trong những buổi tiếp tân ngoại giao mà ở rất nhiều nơi khó khăn, những chuyến công tác xã hội từ thiện. Sau khi nghỉ hưu, mẹ vẫn lặng lẽ đóng góp tâm sức cho hoạt động xã hội từ thiện, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi bằng trái tim người mẹ dịu dàng cho đến những năm tháng cuối đời mình. Và từ hôm nay, người dân thành phố này sẽ không còn gặp mẹ với chiếc khăn rằn trên vai và nụ cười hiền dịu nữa. Mẹ đã đi thật xa để đến với các con thân yêu của mình.
Xin vĩnh biệt mẹ, người mẹ dịu hiền mà kiên trung của đất nước!
PHƯƠNG THỤC