"Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" - là đòi hỏi và yêu cầu cấp bách đặt ra trước toàn xã hội. Nhưng đổi mới từ đâu, theo mô hình nào… thì dường như vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.
Thực tế cho thấy chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại. Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.
Rõ ràng, nhiệm vụ đặt ra để đổi mới giáo dục là rất bộn bề. Nền giáo dục đang ở tình trạng “động” vào đâu cũng thấy “nóng”. Các ý kiến góp ý đề án đổi mới giáo dục đều cho rằng trước khi kê đơn thuốc “chữa bệnh” nền giáo dục cần phải bắt trúng bệnh, nghĩa là phải đi sâu phân tích, nhận định, đánh giá tình hình phát triển của các lĩnh vực khoa học giáo dục Việt Nam, từ đó mới có cơ sở đề xuất những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện trong từng chuyên ngành.
Tại cuộc hội thảo do Viện Khoa học giáo dục tổ chức tại Hà Nội, GS-TSKH Vũ Ngọc Hải đưa ra 3 giải pháp then chốt gồm đổi mới triệt để tiêu chí phát triển giáo dục, xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân mà trước đó nhiều nhà giáo dục khác cũng đã đề cập đến các vấn đề này.
Giáo sư Hoàng Tụy cũng từng đặt vấn đề phải coi trọng khâu phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân khi tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Còn PGS-TS Vũ Trọng Rỹ, tuy cách đặt vấn đề khác nhưng cùng chung quan điểm khi cho rằng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam phải bao gồm đổi mới cả tư duy (rà soát lại giáo dục phổ thông, coi trọng vị trí đội ngũ giáo viên…) và hành động (thay đổi cơ cấu, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới công tác đào tạo giáo viên và chính sách dành cho giáo viên, xây dựng nhà trường kiểu mới).
Ở một khía cạnh khác, không ít ý kiến nhà khoa học, nhà giáo dục cũng cho rằng, đổi mới lần này phải được làm triệt để, không theo kiểu “sai đâu sửa đấy” như đã từng làm nhiều lần trước đây. Theo GS Trần Kiều, đổi mới là cả quá trình, bao gồm cả kế thừa và đổi mới. “Đổi mới không manh mún mà cần tiến hành công phu, bài bản. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam phải theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” như Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến năng lực, nội dung, chương trình… của nền giáo dục chúng ta hiện nay sẽ phải xới lên khi tiến hành xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Các nhà giáo dục sẽ phải rút ra các bài học thành công, thất bại từ những lần cải cách trước, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia để đưa ra giải pháp như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu. “Chúng ta đang rất cần tổng kết lý luận, nghiêm túc nghiên cứu bài học lịch sử qua nhiều lần cải cách giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đổi mới như tích hợp, thiết kế chương trình theo năng lực hay nội dung? Nếu không học quốc tế, chúng ta không tiến được nhưng máy móc sao chép là thất bại, bởi giáo dục gắn bó chặt chẽ với văn hóa dân tộc”. Đây cũng là đòi hỏi mà xã hội đang đặt ra hết sức nghiêm túc đối với lần đổi mới này.
Thành Vinh