Con gái tôi có chồng. Chuyện hết sức bình thường như chuyện của biết bao gia đình khác, vậy mà tôi vẫn băn khoăn, dù biết rằng đây cũng là nỗi băn khoăn thường tình của các bà mẹ có con gái lớn.
Hôm cháu đưa cậu bạn về nhà giới thiệu, hóa ra đó là cậu bạn nhỏ của con tôi ngày xưa, nhà ở cùng xóm với gia đình tôi 10 năm trước đây. Cung cách ngoan ngoãn, lễ phép và khuôn mặt hiền lành của cậu làm tôi yên tâm.
Một hôm, ngồi xem lại mấy tập album ảnh cũ của con gái, tôi mới thấy có rất nhiều ảnh của cậu bạn này, (lúc ấy có lẽ đang học lớp 6, lớp 7 gì đó) thân mật choàng vai con gái tôi; có ảnh tặng hoa ngày con tôi nhận phần thưởng trong một cuộc thi piano. Quả thật tôi đã rất xúc động trước tình cảm các cháu dành cho nhau, chợt nghĩ cái mà người ta hay gọi là “duyên số”.
Rồi một hôm, hai cháu thưa chuyện với chúng tôi là muốn tiến xa hơn, cụ thể là muốn kết hôn với nhau, tôi bỗng thấy băn khoăn. Làm bạn thì đơn giản, nhưng hôn nhân là chuyện hệ trọng cả một đời. Thế rồi sau khi gia đình hai bên gặp nhau nghe được câu chuyện về gia đình họ, lòng tôi bỗng ngổn ngang, ray rứt nhiều nỗi niềm...
...Trận lũ kinh khủng năm 1964 đã để lại đau thương, mất mát cho nhiều gia đình người dân ở một tỉnh miền Trung. Nhiều người bỗng chốc trở nên trơ trọi giữa cuộc đời, không còn vợ - con, không người thân. Nhiều đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi, không biết cha mẹ, gốc gác mình ở đâu...
Mẹ của cậu bạn con gái tôi là một trong số những đứa trẻ ấy. Lúc đó bà chưa đầy 3 tuổi. Sau khi được vớt lên giữa biển nước mênh mông, bà cùng nhiều đứa trẻ khác được đưa đến một trại tập trung, chờ người thân đến nhận. Sau nhiều ngày chờ đợi, không có ai đến nhận, một vị mạnh thường quân ở Sài Gòn đã bay ra Đà Nẵng và nhận những đứa trẻ “không người nhận” này đưa lên máy bay về Sài Gòn nuôi.
Từ đó, những đứa trẻ bơ vơ sau trận lụt được coi như trẻ mồ côi, sống cùng nhau trong một tu viện do người này lập ra. Cuộc sống ở tu viện dù đỡ quạnh quẽ, những đứa trẻ dù nhận được nhiều tình cảm thương yêu, chăm sóc của những người tốt bụng, nhưng trong lòng hẳn không nguôi nỗi nhớ thương người thân và nỗi băn khoăn ray rứt về xuất xứ thân phận mình.
Thời gian rồi cũng qua đi, những đứa trẻ hẳn cũng nguôi ngoai nỗi niềm thân phận, nhưng riêng tôi, từ khi biết chuyện này, lòng tôi ray rứt mãi. Mỗi lần đi công tác miền Trung, khi qua những xóm làng miền quê, tôi cứ nghĩ mông lung, biết đâu đây là quê hương của người phụ nữ ấy? Rồi bỗng dưng khuôn mặt người dân miền Trung nào lướt qua, tôi cũng đều thấy một nét gì đó thân quen, cứ như đó là người quen của mình.
Cũng không biết từ lúc nào, người phụ nữ thấp bé với một vẻ cam chịu cố hữu, khuôn mặt hiền lành nhưng phảng phất một nỗi buồn xa xăm ấy, bỗng trở thành nỗi ám ảnh của riêng tôi.
Mẹ của cậu bạn con gái tôi làm ở một nhà trẻ, hàng ngày chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ và tôi nghĩ đó là điều may mắn, cũng là niềm hạnh phúc hiếm hoi của một người thiếu tình thương gia đình như bà.
Chồng bà làm việc ở một đơn vị thi công và thường xuyên phải xa nhà. Nhiều năm qua, hai mẹ con người phụ nữ này cứ sống thui thủi với nhau, tình thương mẹ con họ dành cho nhau thật trọn vẹn.
Tôi bỗng thấy băn khoăn, con gái mình còn non nớt quá, lại được mẹ chiều chuộng từ nhỏ, làm sao cháu có thể hiểu được mọi lẽ đời để cư xử với mẹ chồng cho phải đạo; làm sao để sự có mặt của cháu không chia bớt mà còn bù đắp thêm những tình cảm yêu thương mà mẹ con họ vốn thiếu thốn giữa cuộc đời?
Có những nỗi niềm không thể nói được bằng lời. Tôi chỉ mong, bằng sự cảm nhận tinh tế của một người con gái nhạy cảm, bằng sợi dây gắn kết thiêng liêng giữa hai mẹ con tôi, con gái tôi sẽ có những cảm nhận giống tôi và có cách cư xử làm tôi yên lòng...
NAM KHA