Mê hồn trận giá cước taxi

Nhớ lại trước đây khi tăng giá xăng dầu (11-2007) nhiều doanh nghiệp, người buôn bán lớn, nhỏ... lợi dụng tình hình tăng giá xăng dầu để tăng giá vô tội vạ mặt hàng mình kinh doanh. Thí dụ như khi xăng tăng giá 1.700 đồng/lít, nhiều hãng taxi quyết định tăng 1 km thêm bảy trăm đồng. Dẫu biết rằng, hành khách đi taxi thường xuyên là người có thu nhập chịu đựng nổi.

Nhưng nếu phân tích, tính toán kỹ sẽ thấy sự tăng giá taxi như vậy rất bất hợp lý, là móc túi người tiêu dùng. Thử làm con toán: Giá xăng dầu tăng 1.700 đồng/lít, trung bình 1 lít xăng xe taxi chạy được 10 km. Trong 10 km này, cho rằng xe chạy không đón khách 6 - 7km, tốn 1.000-1.200 đồng còn 3-4 km chạy có khách phải trả thêm 2,1-2,8 ngàn đồng. Như vậy lẽ ra 1km khách trả cao lắm chưa tới 300 đồng gồm cả trả cho phần taxi chạy không. Khi nâng giá thêm 700 đồng/km, doanh nghiệp taxi “ẵm gọn” thêm 400 đồng/km của khách! Làm như vậy xem như đã “mượn gió bẻ măng”. Chúng ta đồng ý quy luật “nước lên thì thuyền lên”, bình ổn giá và không chốt chặt giá cả theo những quyết định hành chính phi kinh tế, nhưng cũng không chấp nhận lợi dụng tình hình để tăng giá vô tội vạ.

Khi xăng tăng giá là như vậy, nhưng thời gian qua xăng đã giảm giá liên tục 8 lần, (với giá hiện nay là 13.000 đồng/lít) nhưng giá cước taxi vẫn bình chân như vại. Công luận lên tiếng, người tiêu dùng lên tiếng, chủ doanh nghiệp taxi trả lời taxi đang xếp hàng chờ kiểm định chỉnh lại đồng hồ!? Công luận lại hỏi, khi xăng tăng giá, taxi tăng giá ngay, rất kịp thời và rốt ráo đâu có chờ kiểm định đồng hồ? Lúc ấy giá taxi tăng 20% đến 25% thậm chí 30%, trong khi lẽ ra chỉ tăng 10% là vừa. Dưới sức ép của công luận, Hiệp hội taxi quyết định giảm giá 10%, nhưng các chuyên gia cho rằng phải giảm 20% đến 25% mới đúng.

Mặc dù Hiệp hội Taxi tuyên bố như vậy nhưng trên thực tế người đi taxi vẫn chóng mặt với mê hồn trận trước giá cước của nhiều hãng. Có hãng tính 10.500 đồng/km, có hãng 12.000 đồng/1,2km, có hãng 13.000 đồng/1,6km… thay vì phải tính cho 2km ban đầu. Còn các km tiếp theo thì có trời mới biết giá cước thế nào? Khách hàng đang rối bời trước giá cả đánh lận con đen của các hãng taxi và cho rằng với cung cách làm ăn như vậy khác chi cung cách của cái gọi là “taxi dù”, “taxi mù”...

Các doanh nghiệp taxi làm giá như vậy coi như đã đi ngược lại quyền lợi của cộng đồng và không giúp Chính phủ trong việc bình ổn giá. Các hiệp hội ngành nghề ở đâu? Lúc này hơn lúc nào hết các hiệp hội ngành nghề taxi, vận tải, sắt thép, xi măng… nên vào cuộc đồng hành với cộng đồng, chính phủ quyết tâm bình ổn giá.

Vai trò của nhà nước, cụ thể là ngành thuế phải thực hiện truy thu, phạt năng theo Luật Gian lận thương mại… Có làm như vậy mới thực hiện đúng nền kinh tế thị trường có định hướng, có sự quản lý của nhà nước. 

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục