Mệt lử vì học hành, thi cử

Trong những ngày gần đây, khi vào mùa tuyển sinh, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lên tiếng về tình trạng học sinh bị quá tải, ngay cả đối với trẻ đang mới chuẩn bị vào lớp 1. Vẫn biết, ngành giáo dục đã có nhiều cải tiến trong việc tổ chức học hành, thi cử, tuy nhiên vẫn chưa đến nơi đến chốn và bệnh thành tích vẫn còn tồn tại, tạo ra áp lực rất nặng nề đối với học sinh.
Mệt lử vì học hành, thi cử

Trong những ngày gần đây, khi vào mùa tuyển sinh, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lên tiếng về tình trạng học sinh bị quá tải, ngay cả đối với trẻ đang mới chuẩn bị vào lớp 1. Vẫn biết, ngành giáo dục đã có nhiều cải tiến trong việc tổ chức học hành, thi cử, tuy nhiên vẫn chưa đến nơi đến chốn và bệnh thành tích vẫn còn tồn tại, tạo ra áp lực rất nặng nề đối với học sinh.

        Đừng bắt quả non chín ép

Là một giáo viên tiểu học, nhiều năm dạy lớp 1 tôi thấy phần lớn trẻ vào lớp 1 đã biết đọc và biết viết, nhưng khi vào học chính thức, giáo viên cũng lại phải rèn và sửa cách viết cho các cháu; công việc này còn khó khăn hơn nhiều so với dạy các cháu chưa biết gì. Bởi vì đối tượng đã dạy kèm cho các cháu trước khi vào lớp 1 rất đa dạng, đó có thể là một cô bé học THPT, một cô sinh viên, hay chính cha mẹ làm thầy cô giáo dạy học, trong đó đa số không có chuyên môn dạy chữ.

Thế nên khi vào lớp 1 chữ các cháu rất xấu. Nhiều cháu viết sai mẫu chữ, cách nối nét, cách đặt dấu thanh và khoảng cách giữa các con chữ chưa phù hợp. Viết chữ là một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý và cơ thể, nhất là cơ tay nhỏ. Không đảm bảo các yếu tố này mà học viết chữ trước, chữ sẽ bị hư và rất khó chỉnh sửa.

Các trường tăng cường ôn thi tốt nghiệp với hàng trăm bài tập, khiến học sinh mệt mỏi.

Các trường tăng cường ôn thi tốt nghiệp với hàng trăm bài tập, khiến học sinh mệt mỏi.

Ở bậc tiểu học hiện nay, sĩ số học sinh lớp 1 tại các trường thường dao động từ 28 đến 32 học sinh. Dù gần 2/3 số đó đã được học trước chương trình thì giáo viên vào lớp vẫn phải dạy theo tiến trình quy định của Bộ GD-ĐT. Học sinh sẽ được làm quen với chữ cái, ghép vần, đọc tiếng rồi đọc trơn cũng như bước đầu làm quen với các nét cơ bản, viết từng con chữ cái, rồi ghép thành chữ. Hết 35 tuần học, các cháu sẽ đạt mức độ chuẩn kiến thức là biết đọc, biết viết và làm toán thành thạo. Phần lớn trẻ không cần đi học trước vẫn hoàn thành tốt chương trình lớp 1, trừ một vài cháu quá chậm hoặc có vấn đề về trí tuệ.

Vì vậy, theo tôi, chỉ khi phụ huynh thấy con em mình chậm phát triển trí tuệ (số này rất ít) thì nên cho các cháu học trước một thời gian để vào năm học các cháu dễ hòa nhập với các bạn trong lớp còn lại. Còn nói chung đừng nên theo tâm lý đám đông, sợ con mình thua bạn để rồi bắt “quả non chín ép”. Các bậc cha mẹ là người quyết định, không nên tạo nên áp lực cho chính con cái của mình. Hãy để các cháu vui chơi hồn nhiên. Đúng tuổi đến trường tiếp thu bài mới hiệu quả.

LÊ THỊ THÚY MONG
(GV Trường Tiểu học Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương)

        Đừng để áp lực thi cử quá nặng nề   

Từ giữa tháng 4 đến nay, thời gian biểu của con tôi và các bạn cùng khối lớp 12 bắt đầu từ mờ sáng cho đến gần nửa đêm, vì chỉ còn có vài tuần nữa là thi tốt nghiệp. Nếu tính cả học thêm thì cháu phải học 4 ca/ngày. Tuy không phải tới trường lúc nửa khuya như học sinh trường THPT nội trú ngoài công lập, nhưng các trường công lập cũng tăng cường trả bài, ôn thi với hàng trăm bài tập, học sinh về nhà giải rồi lên trường nộp lại cho thầy. Do vậy học sinh phải thức đến khuya để làm bài. Có trường còn lọc những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp vào “diện chăm sóc đặc biệt”, thầy cô tăng cường kèm cặp, dò bài, tăng tiết để giúp các em có kết quả tốt hơn ở kỳ thi.

Ngoài lớp phụ đạo tăng tiết, có trường còn áp dụng mô hình “phụ đạo đặc biệt” dành cho học sinh yếu. Sáng học ôn, chiều truy bài. Nếu vẫn chưa thuộc phải tiếp tục bị truy vào ngày hôm sau. Vì vậy, không ít học sinh bơ phờ, mệt mỏi vì áp lực bài vở nhiều ngày liền.

Việc học sinh phải học ôn nhồi nhét quá khuya là không phù hợp. Quá trình nhồi nhét cấp tốc có thể giúp các em có thêm kiến thức nhưng sức khỏe không đảm bảo, sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu nhà trường tổ chức dạy tốt, học tốt từ đầu, học sinh sẽ không còn khổ sở vì chạy nước rút. Với những học sinh có khả năng chịu đựng được thì sẽ vượt qua được, nhưng với những học sinh sức khỏe yếu, sức chịu đựng không tốt, sẽ thấy mệt mỏi, uể oải.

Thậm chí có trường hợp rối loạn lo âu như mất ngủ, sợ sệt, lo lắng, thậm chí là có hành vi hủy hoại thân thể, tự tử. Vì vậy, các thầy cô cần phải bố trí thời gian học tập nghỉ ngơi cho phù hợp với tâm sinh lý và đồng hồ sinh học của học sinh.

Thiết nghĩ, kỳ thi tốt nghiệp THPT suy cho cùng cũng chỉ là đợt kiểm tra đánh giá lại kiến thức mà học sinh nắm bắt được ở chương trình THPT. Trong khi đó, năm học nào cũng đã có 2 kỳ thi học kỳ và vô số bài kiểm tra đánh giá học sinh. Nên hiểu việc học là cả một quá trình rèn luyện và tích góp kiến thức lâu dài, liên tục.

VINH NGUYỄN
(quận 2, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục