Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp - Tạo sức bật nông nghiệp, nông thôn

Đồng tình ủng hộ
Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp - Tạo sức bật nông nghiệp, nông thôn

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (TSDĐNN) là hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp phần thuế cho nông dân, nhằm giúp nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống. Trên bàn nghị sự, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi xung quanh chủ trương này. Tại ĐBSCL, người dân mong muốn chính sách “khoan sức dân” của Chính phủ lan tỏa rộng rãi hơn.

Nông dân ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vui mùa lúa bội thu. Ảnh: THÁI BẰNG

Nông dân ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vui mùa lúa bội thu. Ảnh: THÁI BẰNG

Đồng tình ủng hộ

Đa số các ý kiến cho rằng việc miễn giảm TSDĐNN cho nông dân có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao phần nào đời sống nông dân, kéo giảm phân cấp giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn hiện nay. Từ năm 2003 đến nay, chính sách miễn, giảm TSDĐNN được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 15/2003/QH11. Theo đó, miễn TSDĐNN trong hạn mức cho từng vùng đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp... Đồng thời, miễn TSDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất của hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp ở xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, giảm 50% TSDĐNN ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đối tượng không thuộc diện được miễn thuế theo quy định trên và diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên và hộ sản xuất nông nghiệp khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện chính sách miễn, giảm trên, từ năm 2003 đến năm 2010, mỗi năm đã miễn, giảm cho hơn 11,2 triệu hộ với diện tích miễn, giảm khoảng 5,4 triệu ha, tương đương 2.837 tỷ đồng. Tại ĐBSCL, chính sách miễn giảm TSDĐNN đã tạo ra nhiều tác động tích cực: nông dân yên tâm sản xuất, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một đổi thay nhờ sự đóng góp, chung tay của bà con nông dân.

“Việc miễn giảm thuế đã tạo ra tâm lý phấn khởi cho người dân. Một mặt chăm bồi sức dân, mặt khác tạo tâm lý thoải mái để người dân đóng góp vào xây dựng các công trình xã hội tại xã, ấp. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực từ việc miễn giảm TSDĐNN” – ông Điền Văn Bảnh, trưởng ấp Phương Qưới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định: “Việc miễn TSDĐNN thời gian qua đã góp phần tăng tích lũy ruộng đất cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp”.

Với quan điểm khoa học, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Trong cơ chế thị trường, nông dân luôn là người chịu thiệt và yếu thế. Bản thân sản xuất nông nghiệp cũng hàm chứa rủi ro cao vì biến động giá cả và thời tiết. Tại các nước công nghiệp phát triển, người ta rất quan tâm và có điều kiện tài chính để trợ cấp, bảo hộ mạnh cho nông nghiệp. Chủ trương miễn giảm TSDĐNN thời gian qua là hợp lòng dân, cần tiếp tục triển khai trên cơ sở phân loại rõ đối tượng được thụ hưởng”.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, việc miễn giảm thuế đất nông nghiệp dài hạn cho người dân là rất cần thiết. Hiện nay, chúng ta đang tập trung đầu tư phát triển nông thôn mới, nguồn lực huy động rất lớn. Việc giảm miễn giảm thuế đất nông nghiệp là động lực rất lớn để người dân tham gia xây dựng nông thôn mới”. 

Cần có chính sách riêng cho nông dân trồng lúa

Nông dân trồng lúa - đối tượng cần được chăm lo, đầu tư. Ảnh: T.CƯỜNG

Nông dân trồng lúa - đối tượng cần được chăm lo, đầu tư. Ảnh: T.CƯỜNG

“Thời gian qua, nông dân chúng tôi còn đóng góp vào một vài nguồn quỹ tại địa phương nhưng phần lớn không ai phàn nàn bởi chúng tôi đã được miễn, giảm TSDĐNN. Thực tế, với 1 ha đất trồng lúa, nếu bị đánh thuế gia đình tôi cũng phải đóng vài triệu đồng trong 1 năm. Số tiền này rất quan trọng với gia đình. Một mặt tạo điều kiện cho con cái đi học, mặt khác đóng góp vào các nguồn quỹ xây dựng tại địa phương” – anh Trần Văn Hết, nông dân trồng lúa ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Hiện tại giá lúa ở ngưỡng cao, khoảng 5.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nhìn toàn cục, giá lúa đạt ngưỡng cao khi phần lớn nông dân đã hết lúa. Đầu vụ hè-thu, giá lúa chỉ dao động ở mức 3.500 đồng/kg. Mức giá này đa số nông dân huề vốn.

Theo ông Trần Văn Thông, Chủ nhiệm CLB sản xuất lúa chất lượng cao xã Bình Thạnh Trung (Lấp Vò - Đồng Tháp), nông dân rất vui mừng khi Chính phủ đề xuất tiếp tục miễn, giảm TSDĐNN cho nông dân. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước dành cho nông dân thì thường hộ giàu hưởng, hộ nghèo không được gì. Ví dụ Nhà nước hỗ trợ máy cắt lúa, lò sấy lúa chỉ những hộ khá giả mới có khả năng đầu tư, còn hộ ít đất lại phải đi thuê máy của các hộ khá giả.

Ông Thông kiến nghị Nhà nước chú trọng hỗ trợ nông dân nghèo, hộ có khoảng 0,5ha đất trở xuống, chứ hỗ trợ đại trà như hiện nay thì nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Hiện diện tích canh tác đất lúa bình quân nông hộ tại ĐBSCL dao động từ 0,3 - 0,5 ha/hộ. Theo phân tích của các nhà khoa học, với mức diện tích này, nông dân đảm bảo chi tiêu trong gia đình đã là hay chứ khó có dư để tích lũy. Chỉ những hộ tích tụ ruộng đất trên 3ha mới có khả năng làm giàu.

Từ thực tế này, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đề xuất: “Việc Nhà nước miễn giảm TSDĐNN trong thời gian qua đã tạo sự phấn kích rất lớn trong dân. Song cần nhìn nhận nông dân sản xuất lúa rất khó làm giàu. Lâu nay, ĐBSCL được xem là “bồ lúa” quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và cung cấp cho xuất khẩu. Theo tôi, nên miễn giảm thuế dài hạn cho nông dân trồng lúa”.

Cùng quan điểm đó, TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, thử thách lớn nhất hiện nay là đất lúa đang giảm dần, năng suất và sản lượng hầu như đụng trần. Sâu bệnh đang gây hại đối với lúa do thời vụ liên tục, nông dân bón thừa phân hóa học trên đồng ruộng gây thất thu năng suất và sản lượng. Tất cả vấn đề này sẽ tác động đến an ninh lương thực. Nói một cách nào đó, hiện nay chúng ta đang bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa và nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia lại được trao trọn cho nông dân. Vì vậy, cần có chính sách thuế riêng cho người trồng lúa. Tuy nhiên, không ít người cho rằng chủ trương này chỉ nên áp dụng đối với nông dân trực tiếp sản xuất, tránh cào bằng. Đối với chủ trang trại, những người tích tụ ruộng đất lớn, nhà nước cần nghiên cứu và áp dụng mức thuế phù hợp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Riêng ý kiến cho rằng cần phải đánh thuế đất nông nghiệp vì nếu không sẽ phát sinh diện tích đất hoang hóa, đa số lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL không đồng tình. Bởi đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp hay cá nhân mà không sử dụng, để hoang hóa thì sẽ áp dụng các biện pháp chế tài theo luật, cần thiết thì thu hồi.

Minh Trường – Cao Phong

Tin cùng chuyên mục