(SGGP).- Ngày 26-2, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã công bố dịch rầy nâu trên toàn tỉnh. Được biết, từ ngày 3-2 đến 22-2, rầy nâu đã xuất hiện và gây hại trên 1.533ha lúa đông-xuân ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có 208ha bị thiệt hại rất nặng.
Các huyện có diện tích nhiễm rầy nhiều nhất là Phù Cát 825ha, Tây Sơn 193,5ha, Hoài Ân 156,5ha và Hoài Nhơn 132,5ha. Bình Định đang tập trung phun thuốc chống rầy cho hơn 1.000ha nhưng theo cơ quan chức năng có nhiều lớp rầy chồng lấn lên nhau, rầy lứa 2 đang phát triển và lứa 3 dự kiến sẽ bùng phát từ ngày 3 đến 22-3, khả năng sẽ gây hại cao trên cả lúa chân 3 vụ đang ngậm sữa và lúa chân 2 vụ bước vào giai đoạn trổ đòng.
Trong khi đó, tại Quảng Nam do nắng nóng kéo dài liên tục trong thời gian qua khiến mực nước trên một số sông ở Quảng Nam xuống thấp, nước mặn xâm thực lên thượng nguồn, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới vụ đông-xuân ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An. Đến ngày 26-2, nước mặn đã xâm thực đến cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn, vượt qua khỏi Trạm bơm 19/5- nơi cung cấp nước tưới cho hơn 500ha lúa của huyện. Trong những ngày tới khả năng hơn 900ha lúa của huyện này bị thiếu nước trầm trọng, sẽ bị cháy khô.
Cũng trong 3 ngày qua, tôm của hơn 20 hộ dân xã Bình Nam (Thăng Bình, Quảng Nam) đã chết hàng loạt. Được biết, toàn xã Bình Nam có 140ha diện tích nuôi tôm, các hộ nuôi tôm đã thả giống trước thời vụ nên đã xuất hiện dịch bệnh từ ngày 10-2 và đến nay đã lan rộng với diện tích gần 10ha.
H.TRỌNG-N.HÙNG-P.ĐIỀN