Mở đường ngoại giao

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia hôm 16-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Con đường ngoại giao hiện đã mở dù Iran vẫn chưa tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải theo dõi những việc họ làm”.
Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Jewish Journal
Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Jewish Journal

Khi được hỏi về việc liệu đã có bước tiến nào nhằm nối lại đối thoại trực tiếp giữa Washington và Tehran, Ngoại trưởng Blinken cho biết, quan điểm của Tổng thống Joe Biden là nếu Iran quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thì Mỹ cũng sẽ làm như vậy. Nếu có bất kỳ tiếp xúc nào giữa hai bên về vấn đề này thì sẽ thông qua kênh ngoại giao.

Năm 2018, chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẽ làm giàu urani lên mức 20% nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của Washington.

Vấn đề hiện nay là, Iran cũng đang mong đợi Mỹ có bước đi trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh hôm 15-2 cho biết, Iran sẽ tiếp tục giảm các cam kết của nước này trong JCPOA nếu các bên tham gia thỏa thuận này, trong đó có Mỹ, không thực hiện nghĩa vụ của mình. Vào ngày 21-2, theo luật đã được Quốc hội Iran thông qua, Chính phủ Iran phải chấm dứt quyền kiểm tra toàn diện đã được cấp cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của LHQ cũng như hạn chế thanh tra đối với các địa điểm hạt nhân đã tuyên bố. Trước đó, Iran cảnh báo đã sắp hết thời gian để chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden cứu vãn JCPOA.  

Dù sao, tín hiệu ngoại giao từ Ngoại trưởng Antony Blinken cũng nhen nhóm lên hy vọng về khả năng Mỹ sẽ cứu vãn JCPOA. Một số chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng, đòn bẩy được cựu Tổng thống Donald Trump xây dựng trong những năm gần đây thông qua chiến lược gây áp lực tối đa với Iran không có hiệu quả. Mặc dù các lệnh trừng phạt đã gây ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Iran và hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của Iran nhưng Washington không thành công trong việc thay đổi hành vi của Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Trên thực tế, Iran không hề nhượng bộ. Thay vào đó, họ đã tăng cường các hoạt động hạt nhân, chương trình tên lửa cùng nhiều hoạt động khác trong khu vực. Có lẽ đã đến lúc chính phủ ông Biden nhận thấy rằng tiếp tục xây dựng đòn bẩy áp lực không phải là một chiến lược đàm phán hiệu quả và bền vững.

Tin cùng chuyên mục