Tháng 4-2016, Bộ Y tế đã có quyết định nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020. Tại TPHCM, mô hình này đã được triển khai từ những năm 2006-2007.
Tuy đến nay đã gặt hái được kết quả khả quan, song thực tế mô hình BSGĐ vẫn còn lạ lẫm với nhiều người.
Bệnh nhân khám tại Phòng khám BSGĐ của Bệnh viện Quận 10 chờ lấy thuốc
Chậm mà chắc
Bệnh viện Quận 10 là một trong số ít bệnh viện cấp quận được TP chọn tham gia dự án thí điểm triển khai mô hình phòng khám BSGĐ từ năm 2006 do Vương quốc Bỉ tài trợ. Thời gian đầu, Phòng khám BSGĐ của Bệnh viện Quận 10 chỉ có 2 bàn khám, 5 điều dưỡng và nhân viên phát thuốc. Để thu hút bệnh nhân, ngoài công tác truyền thông, bệnh viện chú trọng tăng cường các tiện ích để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Trước cửa phòng khám, danh sách các bác sĩ được dán công khai để bệnh nhân lựa chọn. Nhiều bệnh nhân hài lòng với bác sĩ nên “theo” bác sĩ nhiều năm liền. Việc tái khám cũng dễ dàng hơn nhờ bệnh nhân đã đặt lịch hẹn trước cả tháng. Nếu bác sĩ bận việc, sẽ thông báo cho bệnh nhân để dời lịch khám, hoặc chuyển cho bác sĩ khác khám nếu bệnh nhân đồng ý.
Gặp chúng tôi tại phòng khám, ông Đoàn Đức Tuyển (trước ở phường 9 quận 10, nay chuyển về quận Bình Tân) cho biết: “Tôi đăng ký khám bệnh ở đây đã hơn 3 năm. Cứ 20 ngày lại tái khám, được tư vấn kỹ lưỡng, nên thấy thoải mái lắm!”. Khi đến tái khám, bệnh nhân không phải chờ đợi. Thậm chí, có người đi du lịch hay đã xuất cảnh ra nước ngoài mà hễ có bệnh là gọi về bác sĩ qua Viber để tham khảo ý kiến, do bác sĩ đã thuộc hết bệnh sử của bệnh nhân. Tiện ích nữa là quy trình khám một chiều, không để bệnh nhân phải chờ đợi từ khâu đăng ký, đo huyết áp, khám bệnh, xét nghiệm… Giờ khám bệnh cũng khá tiện lợi cho nhiều đối tượng: khám từ 5 giờ đến 20 giờ, không nghỉ trưa, và cả tuần chỉ nghỉ vào chiều chủ nhật.
Năm 2016, Phòng khám BSGĐ của Bệnh viện Quận 10 đạt kết quả đáng phấn khởi: đến nay phòng khám đã có 32 bác sĩ, kể cả bác sĩ chuyên khoa, 13 bàn khám; trong năm đã khám bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân đến từ các quận khác. Trong phạm vi bán kính 1km, Phòng khám BSGĐ của Bệnh viện Quận 10 nằm lọt thỏm giữa các “ông lớn” như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Tim, Bệnh viện Vạn Hạnh, vậy mà lượng bệnh nhân đến với phòng khám vẫn đông là điều đáng ngạc nhiên, như lời bác sĩ Tùng là “chậm mà chắc”.
Đưa mô hình BSGĐ về trạm y tế phường
Khái niệm BSGĐ không phải là mới mẻ, song vẫn còn không ít người chưa hiểu đúng khái niệm này, cứ nghĩ “BSGĐ là phải đến khám bệnh tận nhà”, “BSGĐ chỉ dành cho người giàu”. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM), BSGĐ khám và theo dõi bệnh nhân cùng các thành viên trong gia đình một cách toàn diện và liên tục từ lúc sinh ra đến cuối đời, có trách nhiệm cung cấp thông tin về bệnh sử khi chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa, nhằm giúp bác sĩ tuyến trên hay bác sĩ chuyên khoa nắm bắt diễn biến bệnh tật của bệnh nhân, chẩn đoán nhanh và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, do thói quen của nhiều người chỉ thích đến thẳng bệnh viện để khám và điều trị, nên chưa quen hoặc không “mặn” với mô hình BSGĐ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tuyến trên, còn người bệnh thì phải chờ đợi, chầu chực.
Đến nay, TPHCM đã có 224 phòng khám BSGĐ tại 20 bệnh viện quận - huyện, 191 trạm y tế phường - xã và 13 phòng khám đa khoa tư nhân. Tuy nhiên, để có sức hút nhiều bệnh nhân như cách làm của Bệnh viện Quận 10 hay vài bệnh viện khác, thực tế là không dễ. Bác sĩ chuyên khoa 1 Phó Thịnh Phong, Trưởng phòng khám BSGĐ của Trạm y tế phường 1 (quận Phú Nhuận), cho biết: “Mỗi ngày chỉ có khoảng 2 - 3 bệnh nhân đến đây khám, đa số là người già, nhà gần trạm y tế, số còn lại khám bệnh tình huống như nhức đầu, sổ mũi rồi không trở lại. Một trong nhiều khó khăn là không đủ thuốc cho bệnh nhân, như thuốc điều trị huyết áp, phát cho 5 bệnh nhân là hết, nhiều lần đã báo cho phường và quận nhưng chưa được hồi đáp. Rồi máy tính, máy in… cứ hỏng hóc, không thể nhập toa thuốc”.
“Chậm mà chắc” là phương châm đúng trong việc phát triển, mở rộng mạng lưới phòng khám BSGĐ. Như cách làm của Bệnh viện Quận 10, giai đoạn 2 là đưa mô hình BSGĐ về các trạm y tế phường, từ năm 2014 đến nay đã xây dựng được ở 7 phường, với tổng số bệnh nhân đến khám gần 1.000 người trong năm 2016. Theo bác sĩ Duy, khoảng 2 - 3 năm nữa, số lượng BSGĐ được đào tạo mới ra trường sẽ là nguồn cung lớn về nhân lực cho các trạm y tế phường - xã. Điều đó cũng chưa đủ nếu không chuẩn bị đầy đủ tiện ích quan trọng khác như thuốc men, phương tiện, hạ tầng thông tin, phương thức phục vụ chu đáo để thu hút bệnh nhân.
THƯ LÊ