Mô hình mới cho vườn ươm

Trong số gần 40 doanh nghiệp (DN) được tuyển chọn tham gia vào các vườn ươm DN tại TPHCM, hiện chỉ có 4 DN đủ điều kiện tốt nghiệp. Số còn lại vẫn đang vật lộn với khó khăn. Nếu không thiếu vốn thì cũng thiếu thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, phải thuê mướn từ bên ngoài.

Trong khi đó, các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước đang không đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở ươm tạo. Nhìn thấy thực tế này, nhiều chuyên gia từng nhiệt huyết với công tác ươm tạo không khỏi chạnh lòng.
So với các địa phương khác trên cả nước, TPHCM đã có chủ trương hình thành vườm ươm từ rất sớm. Năm 2007, Sở KH-CN đã hợp tác, hỗ trợ Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Trường ĐH Bách khoa và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP hình thành ba mô hình vườn ươm DN công nghệ với các hệ thống hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và dịch vụ đi kèm. Cho đến nay, ngoài khoản đầu tư ban đầu vào khoảng 6,5 tỷ đồng phục vụ xây dựng cơ bản và trang thiết bị hoạt động, mỗi năm nguồn hỗ trợ trung bình chừng 200 - 300 triệu đồng cho mỗi vườn ươm. Theo đại diện vườn ươm Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nguồn kinh phí đó chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí và tổ chức vài hoạt động nhỏ. Muốn hỗ trợ nhiều hơn phải linh động “ứng kinh phí” từ các đề tài nghiên cứu hoặc tiền túi. Khoản ứng trước ấy có khi đã lên tới tiền tỷ. Vườn ươm không đủ sức hỗ trợ thì chuyện DN phải “tự bơi” cũng là điều dễ hiểu. Một DN ngậm ngùi chia sẻ rằng họ phải vừa tìm hướng, vừa đi, vừa “gỡ” khó và chỉ mong sao có sản phẩm bán được trên thị trường đã là thành công.

Ai cũng biết để có các DN khởi nghiệp thành công thì mô hình vườn ươm cực kỳ quan trọng, như là một bệ phóng. Nhưng tại Việt Nam, vườm ươm vẫn còn là một khái niệm mới và đến nay, ngay từ cấp quản lý vẫn đang loay hoay tìm kiếm một mô hình và cách thức đầu tư cho phù hợp. Đối với những DN công nghệ, trong quá trình ươm tạo thì rất khó để huy động các nguồn lực từ thị trường, do các nhà đầu tư luôn e ngại tính rủi ro cao của những dự án công nghệ còn trong thời kỳ trứng nước. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, nhà nước vẫn đóng vai trò chủ lực, hoặc nhà nước trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm, hay bản thân nhà nước phải là chất xúc tác, tìm đường dẫn các DN tư nhân tìm đến các vườm ươm để hợp tác kinh doanh. 

Israel - nơi các vườn ươm hoàn toàn là các DN tư nhân hoặc của nước ngoài. Tại đây, các DN được vườn ươm tài trợ 15% kinh phí (và được tham gia tới 50% cổ phần tại DN được ươm tạo), 85% còn lại từ nhà nước. DN được ươm tạo có trách nhiệm hoàn lại kinh phí cho nhà nước nếu sau này hoạt động thành công. Trong khi đó, tại Mỹ, với khoảng 600.000 DN khi khởi nghiệp sau lưng họ sẽ có 300.000 nhà đầu tư là đầu tư bước đầu, chưa kể là các nhà đầu tư mạo hiểm chực chờ nhảy vào để nâng cao vị thế của các DN đó và tìm kiếm lợi nhuận.

Những khó khăn hiện hữu tại các vườn ươm trong nước đặt ra bài toán phải tìm kiếm một mô hình phù hợp hơn. Theo các chuyên gia, mô hình lý tưởng trong tương lai là mô hình thực thể công - tư theo hình thức DN. Mô hình này giải quyết được hai vấn đề chính sách từ nhà nước và vốn đầu tư từ xã hội. Gần đây, đề án Thương mại hóa công nghệ - Thung lũng Silicon Việt Nam mà Bộ KH-CN khởi xướng được coi là bước đầu một mô hình mới mà các vườn ươm có thể học tập.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục