Mô hình trường chất lượng cao: Không làm đại trà

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trước yêu cầu phải đột phá - phát triển giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM đã quyết tâm xây dựng mô hình trường tiên tiến - chất lượng cao (CLC). Từ năm học 2006 - 2007, Trường THPT Lê Quý Đôn được chọn làm thí điểm, với sĩ số 30 học sinh/lớp, học phí từ 850.000 - 950.000 đồng/tháng.
Mô hình trường chất lượng cao: Không làm đại trà

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trước yêu cầu phải đột phá - phát triển giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM đã quyết tâm xây dựng mô hình trường tiên tiến - chất lượng cao (CLC). Từ năm học 2006 - 2007, Trường THPT Lê Quý Đôn được chọn làm thí điểm, với sĩ số 30 học sinh/lớp, học phí từ 850.000 - 950.000 đồng/tháng.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn tự hào: “Sau 7 năm thực hiện mô hình CLC, đầu ra của trường đạt được tiêu chí học sinh phát triển toàn diện, năng động, tự tin. Nhờ không ngừng được đầu tư đổi mới, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng chức năng… của trường hiện nay không thua gì so với trường quốc tế”. Thế nhưng, đề cập đến mô hình trường CLC đang nhân rộng ở TPHCM (11 trường) và Hà Nội (18 trường), vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn lẫn phản đối.

        Chuẩn đầu ra?

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM), mong muốn cho con em được tiếp xúc với môi trường giáo dục tiên tiến, đạt CLC của người dân thành phố rất lớn. Vì thế, việc TPHCM tiên phong xây dựng mô hình này là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải làm rõ tiêu chí trường CLC (về cơ sở vật chất, chuẩn giáo viên, chương trình đào tạo…), trong đó học sinh học ở đây được gì và ra trường đạt chuẩn nào?

Minh họa: A. DŨNG

Minh họa: A. DŨNG

Cũng theo bà Nguyễn Kim Dung và một số ý kiến khác, dư luận phản đối trường CLC chủ yếu là yếu tố công bằng và việc đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện về tài chính cần phải nghiên cứu thêm. Còn ông Nguyễn Hoài Chương “trấn an”, dù thực hiện mô hình trường CLC nhưng TP vẫn có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo và không chỉ có con nhà giàu mới được thụ hưởng mô hình này. Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu cứ dàn hàng ngang - chờ đợi sự cào bằng, giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu?

        Xác định lộ trình

Tuy nhiên, khi đã xác định việc xây dựng mô hình đào tạo CLC hay là trường tiên tiến, hướng tới hội nhập quốc tế, phải xác định lộ trình và theo hướng xã hội hóa - tự chủ về tài chính. Theo đó, khởi đầu TP sẽ lấy một số trường công có cơ sở vật chất tốt, sau đó nuôi dưỡng một thời gian rồi giao quyền tự chủ về tài chính. Như vậy, chuyện thu học phí sao cho đủ chi để phát triển hoạt động giáo dục toàn diện là việc phải tính tới. Hiện nay nhiều trường công lập “né” không muốn gắn “mác” CLC vì sợ khoản thu học phí không bù đắp đủ chi như ngân sách rót thường xuyên là 3 triệu đồng/học sinh.

Ý kiến của các chuyên gia giáo dục tại buổi tọa đàm vào ngày 31-7 do báo Người Lao Động tổ chức cho thấy việc thực hiện mô hình trường CLC hay tiên tiến phải cân nhắc kỹ, không nên làm đại trà. Nếu đã áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến, cam kết về chất lượng giáo dục, ngoài đầu tư đúng và đủ, cần phải đổi mới cách kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Để tạo sự đột phá này, Bộ GD-ĐT phải có định hướng phát triển mô hình trường CLC theo yêu cầu thực tế và mục tiêu đổi mới toàn diện nền giáo dục.

Trong năm học 2012 - 2013, TPHCM có thêm 2 trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 và Nguyễn Du, quận 10 triển khai mô hình CLC. Theo nghị quyết của HĐND TPHCM, trong năm học tới TPHCM sẽ có 8 trường từ bậc học mầm non đến phổ thông thực hiện trường CLC.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục