Mơ hồ

TPHCM đưa ra mục tiêu “năm 2015, cơ bản đảm bảo gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa bàn quận, huyện”. Song, đã sang giữa năm 2013 mà các quận, huyện vẫn chưa có con số khoa học cho thấy “mức sống trung bình” của người dân trên địa bàn là bao nhiêu? Trong khi đó, thực trạng đời sống người có công ra sao vẫn là một ẩn số vì TP vẫn đang khảo sát, lần khảo sát tổng thể đời sống của diện chính sách gần đây nhất vào năm 2005.

8 năm đã qua với bao lần “bão giá”, chắc chắn cuộc sống của người có công đã bị ảnh hưởng; thậm chí, mức chuẩn nghèo của TP đã được nâng lên, một bộ phận người có công trở thành người nghèo. Chưa có đầy đủ số liệu về thực trạng mức sống của người có công, lại chưa có số liệu xác định mức sống trung bình người dân ở các quận, huyện hiện tại và năm 2015, khiến mục tiêu “nâng cao mức sống gia đình người có công bằng và hơn mức sống trung bình của người dân cùng quận, huyện” mới chỉ thể hiện được mong muốn của TP!

Hệ quả, các quận, huyện lúng túng thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu tương ứng với cách hiểu của mình. Có quận, huyện lấy “chuẩn” đạt được là chuẩn cận nghèo hiện tại của TP (16 triệu đồng/người/năm), có nơi lại căn cứ một mức khác. Các quận, huyện thực hiện đúng nhưng liệu có trúng? Sắp tới, nếu TP xác định được mức sống trung bình của người dân các quận, huyện vào thời điểm 2015 là một con số khác với mốc mà quận, huyện đang tự đề ra, các quận, huyện sẽ “việt vị” với kế hoạch đang thực hiện của mình? Ví dụ, nếu một quận tự đề ra đến năm 2015, đảm bảo người có công có mức sống ít nhất 16 triệu đồng/người/năm thì đương nhiên kế hoạch thực hiện - các giải pháp hỗ trợ về sinh kế, học bổng, vốn - phải khác.

Việc đưa ra mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công thể hiện mục đích tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của TP. Tuy nhiên, tiêu chí đặt ra còn mơ hồ, thiếu cụ thể và làm ngược quy trình. Mục đích tôn vinh của toàn xã hội đối với người có công bởi sự hy sinh của họ là vô giá, không gì có thể bù đắp được nhưng với cách làm thiếu khoa học như trên cũng ít nhiều làm giảm ý nghĩa nhân văn của một chương trình.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục