LTS: Qua một năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người tiêu dùng hàng Việt đã được nâng lên nhiều. Tuy nhiên cũng còn nhiều ý kiến xây dựng chung quanh cuộc vận động lớn này, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa những yếu tố tích cực của cuộc vận động, để người Việt Nam tự tin hơn trong tiêu dùng hàng Việt, tự hào khi dùng hàng Việt, coi đó là đóng góp để phát triển đất nước.
Theo tôi, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều có tâm lý muốn dùng hàng Việt, nhưng trên thị trường, hàng hóa Việt đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài một số sản phẩm được tin dùng như trứng của Công ty Ba Huân, thực phẩm tươi sống của Vissan… trên thị trường cung ứng vẫn bỏ trống và để cho những sản phẩm rau củ quả, thực phẩm tươi sống chưa đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn nhan nhản ngoài chợ. Như thế, để người Việt luôn tin yêu dùng hàng Việt, chúng ta phải có các giải pháp tổng thể đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng từ khâu sản xuất đến phân phối bán lẻ.
Từ kinh nghiệm của các thương hiệu Việt có uy tín trong việc tham gia bình ổn giá một cách bền vững, TP và các ngành chức năng cần đặt ra chiến lược đầu tư cho chương trình bình ổn giá. Mới đây, trong chương trình “Nói và làm” của TP, rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý đều nhấn mạnh cần thiết lập quy trình liên kết chặt chẽ chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định từ đầu vào-nhà sản xuất đến đầu ra - phân phối, bán lẻ trên thị trường. Có như thế, chúng ta mới kiểm soát được giá cả một cách bài bản, ít bị tác động. Cụ thể như nhu cầu sử dụng rau củ quả sạch hiện nay rất lớn nhưng ngoài hệ thống phân phối tại siêu thị, một số ít điểm bán lẻ, người dân khó tìm được sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và khẳng định hàng Việt Nam chất lượng cao để lựa chọn, đặt niềm tin.
Chính vì thế, dù biết rõ nhiều sản phẩm rau củ quả có nguồn gốc nhập khẩu và không đảm bảo chất lượng nhưng nhiều người vẫn phải mua. Nếu có nhiều sản phẩm rau củ quả sạch và hàng hóa tiêu dùng mang nhãn hiệu nội địa đạt chất lượng thì người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ. Xới ra vấn đề này để thấy, thay vì kêu gọi chung chung “người Việt dùng hàng Việt”, nhà nước hãy đầu tư bài bản cho chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu như hàng tiêu dùng, thực phẩm, rau củ quả…, từ khâu sản xuất đến phân phối rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Làm được điều này, việc quản lý nhà nước mới giữ được vai trò chủ đạo, kìm cương giá cả đúng nghĩa.
HÀ KHANH