Mở rộng đối tác hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu

3.000 tỷ đồng ứng phó BĐKH
Mở rộng đối tác hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều cơ chế, chính sách đã được xây dựng và ban hành để phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam trong quy mô dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư của xã hội cho công tác ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn nhỏ. Để thực hiện mục tiêu của chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH, Việt Nam rất cần sự đầu tư, hỗ trợ lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế.

Năm 2015, Chính phủ tập trung kinh phí vào các dự án trồng rừng để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Rừng bị chặt phá tại Tây Nguyên

3.000 tỷ đồng ứng phó BĐKH

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của BĐKH. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai xảy ra thường xuyên, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, BĐKH đang là tác nhân làm cho nền nhiệt độ trung bình tăng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người… Riêng khu vực ĐBSCL, dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính khoảng 17 tỷ USD. Chính vì thế, để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, Việt Nam cần rất nhiều kinh phí ứng phó với BĐKH.

Theo Ủy ban Quốc gia về BĐKH, để thích ứng với BĐKH, Việt Nam đang thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) - được Chính phủ thông qua vào tháng 12-2008. Cùng với Chiến lược Quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã giúp tạo dựng một khung hoạt động và đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam. Đến nay, chương trình này đã thu hút được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế như: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)… Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những kết quả của Chương trình SP-RCC thời gian qua, xác định nhiệm vụ đưa công tác ứng phó với BĐKH trở thành nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong thời gian tới. Và để thực hiện mục tiêu của chương trình SP-RCC, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam rất cần sự đầu tư, hỗ trợ lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế. Đồng thời mong muốn các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ, đồng hành cùng Việt Nam triển khai tốt hơn nữa các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH. Để giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ dành ít nhất 3.000 tỷ đồng cho ứng phó với BĐKH, tập trung vào các dự án trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ để hạn chế tác động của BĐKH và nước biển dâng.

WB tiếp tục hỗ trợ

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chương trình SP-RCC giai đoạn sau 2015 tập trung vào 3 vấn đề chính để thực hiện các hoạt động mang tính liên ngành, liên vùng. Cụ thể: Xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH; Đầu tư cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và Tăng cường năng lực ứng phó BĐKH ở các cấp. Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, Chương trình SP-RCC giai đoạn từ 2015 - 2020 so với 2 giai đoạn trước đó là sự tham gia, thực hiện các dự án, hành động cụ thể, thiết thực để triển khai các chính sách mà các giai đoạn trước đã xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, Chương trình SP-RCC mới có 6 nhà tài trợ quốc tế tham gia. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sau 2015, chương trình này cần mở rộng đối tác, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ.

WB là một trong 6 nhà tài trợ quốc tế luôn đồng hành với Chương trình SP-RCC từ năm 2009 đến nay. Tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường với WB về hỗ trợ của WB cho Chương trình SP-RCC sau 2015 vào đầu tháng 10-2014, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, WB dự kiến sẽ đưa ra một gói hỗ trợ tổng thể mạnh mẽ với một định hướng rõ ràng hơn cho chương trình từ sau năm 2015. Cụ thể, WB sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam thông qua hỗ trợ chính sách và kỹ thuật. Tuy nhiên, để nhận được nguồn tài trợ này, bà Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam cần duy trì, đẩy mạnh kết nối giữa tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH. Thêm vào đó, Chính phủ cần cam kết số tiền mà WB tài trợ sẽ giải ngân đúng mục tiêu chống BĐKH. Cùng với đó, bà đề nghị các hoạt động của Chương trình SP-RCC giai đoạn tới cần gắn kết với dự án hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long mà WB đang tài trợ. Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, thời gian tới, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam sẽ xác định định hướng mới, một đường đi mới cho Chương trình SP-RCC từ 2015 đến 2020.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục