Mở rộng dự án khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn cho người dân quận Tân Phú

Mở rộng dự án khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn cho người dân quận Tân Phú

Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, công ty sẽ thực hiện triển khai mở rộng dự án khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn cho người dân quận Tân Phú. Dự kiến trong đợt triển khai này sẽ có thêm 1.000 hộ gia đình được hướng dẫn và duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn một cách thường xuyên và vĩnh viễn.

Các bạn tình nguyện viên thực hiện tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân quận Tân Phú.

Các bạn tình nguyện viên thực hiện tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho người dân quận Tân Phú.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, địa điểm mà công ty sẽ bắt đầu thực hiện hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện và chuyển giao rác phân loại là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Tại đây có 9 blốc chung cư với tổng số hộ gia đình là gần 1.000 hộ. Khảo sát lấy ý kiến người dân bước đầu cho thấy, người dân mong muốn được triển khai dự án khu phố xanh tại đây. Tuy nhiên sau nhiều lần đề xuất vẫn chưa được chính quyền địa phương triển khai. Đại diện Phó Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh cho biết, từ trước đến nay phường mong muốn triển khai dự án hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn nhưng chưa tìm ra giải pháp thực hiện. Sau khi tham khảo mô hình công ty triển khai tại phường Tân Thành, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa… cộng với việc UBND quận đã chỉ đạo nhân rộng mô hình khu phố xanh tại các phường đã triển khai trên, lãnh đạo phường đã sớm xúc tiến cùng Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM thực hiện vấn đề này và nếu được sẽ tạo cơ sở để mở rộng ra toàn phường.

Tuy nhiên, theo Ban tổ chức dự án cho biết, hiện khó khăn nhất của dự án là không thể triển khai tại những tuyến đường do lực lượng thu gom rác dân lập quản lý. Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mạng lưới thu gom rác dân lập ở TPHCM đang có hơn 3.000 người lao động, đa số hành nghề truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước đây, nhiều khu dân cư ở các xã đô thị hóa tại TPHCM không có dịch vụ thu gom rác sinh hoạt, nên một số người tự đứng ra làm dịch vụ thu gom rác, thu tiền các hộ dân hàng tháng, số lao động chủ yếu là người trong cùng gia đình. Từ đó dần dần hình thành hệ thống rác dân lập, mỗi nhóm có một khu vực thu gom rác riêng nên hiện nay người ta gọi là các “đường dây rác”. Đa số những người làm nghề này là người nhập cư từ các tỉnh, trình độ học vấn thấp và không có chỗ ở ổn định. Các nhóm thu gom rác dân lập đều hoạt động bằng phương tiện thô sơ, hầu hết vẫn là xe kéo bằng sức người, nhóm nào “hiện đại” lắm thì dùng những chiếc xe lam cũ kỹ để vận chuyển rác. Quan trọng hơn, họ không chịu sự điều phối cũng như quản lý của chính quyền địa phương hoặc của bất kỳ cơ quan chức năng nào. Do vậy, họ hoàn toàn không hợp tác để triển khai dự án. Đại diện UBND phường Tây Thạnh khẳng định, trong thời gian tới, lãnh đạo phường sẽ làm việc với các nhóm người thu gom rác dân lập để tìm cách tháo gỡ những bất cập trên. Nhất thiết phải có giải pháp để chuyển hóa quá trình thu gom rác sang cho lực lượng chính quy để tạo điều kiện mở rộng dự án khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn cho người dân trên địa bàn quận. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng xử lý rác thải theo hướng tăng lượng rác tái chế, giảm lượng rác chôn lấp vốn gây nguy hại cho môi trường.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục