
Theo quy hoạch, khu đô thị cảng Hiệp Phước thuộc xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè TPHCM cùng với một số khu dân cư, khu công nghiệp lân cận sẽ hình thành một khu đô thị công nghiệp cảng. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết thêm một số thông tin liên quan.
- Hình thành một đô thị vệ tinh

Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước có tổng diện tích 3.600 ha thuộc xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè TPHCM. Hiện nay khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1 (332 ha) đã cho thuê trên 90% diện tích đất với 84 dự án có tổng vốn đầu tư 269,5 triệu USD và 4.600 tỷ đồng. Đến năm 2007 sẽ hoàn tất việc xây dựng hạ tầng giai đoạn 2 với quy mô 600 ha.
Khu đô thị công nghiệp cảng được xác định với mục tiêu thiết lập cụm cảng hàng hải phục vụ vận chuyển hàng hóa cho TPHCM, khu vực các tỉnh lân cận và xuất khẩu, đặc biệt phục vụ nhu cầu các khu công nghiệp.
Có thể nói sự hình thành khu đô thị công nghiệp-cảng Hiệp Phước có vai trò đặc biệt quan trọng để tiếp tục khai thác tiềm năng và chuyển hóa vùng đất còn hoang hóa phía Nam thành phố, mở rộng thêm cơ hội và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của thành phố.
Hiệp Phước-Nhà Bè vừa là cửa ngõ ra biển Đông của TPHCM, đồng thời cũng là vùng tiếp giáp với một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao thông đường thủy và đường bộ vô cùng thuận lợi, TP đã xây dựng trục lộ Bắc-Nam nối vùng Hiệp Phước vào nội thành và sẽ hoàn tất cầu Phú Mỹ, nối đại lộ Nguyễn Văn Linh qua quận 2, hình thành tuyến vành đai ngoài của TP, tạo sự kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.
Thực tế cho thấy, những năm qua hướng phát triển chiến lược này đã gặt hái được nhiều thành công như việc xây dựng khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… Như vậy khi phát triển một cách đồng bộ, khu đô thị cảng Hiệp Phước sẽ trở thành một đô thị vệ tinh của thành phố.
- Nông dân được góp vốn?
Một vấn đề quan trọng khi thực hiện bất kỳ dự án nào là công tác đền bù giải tỏa, thông thường gặp rất nhiều phức tạp và kéo dài, phần lớn là do nông dân cho rằng chủ đầu tư đền bù giá thấp nhưng khai thác kinh doanh đất thì với giá tăng gấp mấy chục lần, thậm chí vài trăm lần, do đó khó giải tỏa mặt bằng và thường dẫn đến khiếu kiện tập thể. Vì vậy cần thực hiện một chính sách: những người nằm trong vùng quy hoạch phải được hưởng lợi từ sự quy hoạch đó và lợi ích của nhà nước có được là sự phát triển kinh tế-xã hội do quy hoạch đã được phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ của khu đô thị cảng Hiệp Phước, trong điều kiện chính sách đất đai hiện nay giải pháp tốt nhất là vận động nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của mình vào dự án. Thực hiện chủ trương này cần thực hiện việc đền bù giải tỏa theo hai phần: nhà ở sẽ được tái định cư và hoa lợi đền bù bằng tiền mặt hàng năm cho một số năm, ví dụ trồng lúa thì được hưởng tối đa 10 năm.
Đất canh tác thì góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với đơn giá do nhà nước công bố theo chính sách đền bù giải tỏa đã được quy định chung, hình thức là mua cổ phần hoặc cổ phần ưu đãi. Sau khi đền bù giải tỏa, nông dân sẽ tiếp tục có cuộc sống ổn định hơn do có chỗ ở trong khu định cư và vẫn nhận được thu nhập hàng năm như trước mà không phải canh tác nên có thời gian để tập trung chuyển nghề nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều quan trọng hơn là cổ phiếu sẽ tăng do giá đất tăng lên khi được đầu tư cơ sở hạ tầng và do công ty kinh doanh hạ tầng có lãi.
Ví dụ khu Nam Sài Gòn, giá nhà nước quy định trước đây là 26.000 đồng/m2 nhưng hiện nay nhà nước quy định đường Nguyễn Văn Linh tiền sử dụng đất là 5,3 triệu đồng/m2, tăng 204 lần. Do đó đây là biện pháp giúp nông dân sử dụng số tiền đền bù một cách hiệu quả nhất, góp phần ổn định xã hội… Với cách làm này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án này không phải bỏ ra cùng lúc một số tiền lớn, vì vậy hiệu quả kinh tế, tài chính sẽ cao.
HOÀNG ANH