Không chỉ tạo sân chơi trí tuệ, giới thiệu kết quả nghiên cứu mang tính sáng tạo, nhiều sản phẩm tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học ở TPHCM gần gũi với cuộc sống, nhiều ứng dụng.
Tính nhân văn cao
Giới thiệu về sản phẩm mà nhóm dày công đầu tư nghiên cứu ròng rã 3 tháng trời, Trần Phan Thanh Hải (Trường THPT Marie Curie), Trưởng nhóm đề tài “Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bị liệt toàn thân”, cho biết: “Không chỉ hỗ trợ, giúp người khuyết tật nặng trong sinh hoạt, công việc hàng ngày, robot đa năng này còn thay thế nhiều công việc trong môi trường không an toàn, độc hại, tránh bệnh nghề nghiệp, gây nguy hiểm đến tính mạng…”. Cũng theo Thanh Hải, robot có tính năng đặc biệt hỗ trợ người bị liệt toàn thân có thể lao động thông qua điều khiển bằng tay, bằng mắt. Điều này giúp họ bớt mặc cảm, tự ti và gia đình, xã hội cũng giảm bớt gánh nặng chăm sóc người khuyết tật nặng.
Tương tự, đề tài “Găng tay chuyển ngữ” của hai bạn học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Hồng Phong là Phạm Thiên Tân và Hoàng Minh Đức cũng được ban tổ chức đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo và ý nghĩa nhân văn của đề tài. Hướng đến người khuyết tật, câm điếc, sản phẩm găng tay đặc biệt này có thể hỗ trợ việc giao tiếp với người bình thường cùng với chiếc điện thoại thông minh chạy bằng hệ điều hành Android. Theo chủ nhân của đề tài, thiết bị này được ứng dụng sẽ xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, rút ngắn khoảng cách giao tiếp giữa người câm điếc với người bình thường, giúp họ hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Từ những ý tưởng sáng tạo, gắn kết giữa học với hành, học sinh các trường trung học ở TPHCM đã thắp sáng các ý tưởng, đầu tư nghiên cứu nhiều đề tài có nội dung phong phú, đa dạng và gần gũi với cuộc sống. Điển hình như “Máy rót nước thông minh” của học sinh Trường THPT Gia Định; “Hộp đen hỗ trợ cứu nạn” của Trường THPT Lê Hồng Phong; “Chế tạo robot cứu hỏa và khảo sát địa hình” của Trường TH-THCS-THPT Hòa Bình; “Máy nông nghiệp đa năng” và “Hệ thống chuông tự động” của Trường THPT Lương Thế Vinh…
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh giới thiệu về mô hình “Máy nông nghiệp đa năng”
Vượt qua Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, năm nay Trường THPT Gia Định bội thu vì có 11 đề tài lọt vào vòng chung kết. Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sân chơi nghiên cứu KHKT này đã tạo hứng khởi, giúp học sinh thử sức với đam mê sáng tạo của mình. Được khuyến khích, cổ vũ, các em đã đầu tư vào 25 đề tài với các nội dung phong phú, thiết thực với cuộc sống xung quanh. Từ ý tưởng của học sinh, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tham mưu cho các em thực hiện. Bằng sở thích, đam mê của mình, các em đã mày mò, vượt qua khó khăn, nhất là sự thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư lẫn phòng thí nghiệm… để hoàn thiện, tạo ra các sản phẩm nghiên cứu KHKT có ý nghĩa”.
Đánh giá cao ý tưởng sáng tạo
Bên cạnh những đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHKT, công nghệ, sinh học…, học sinh phổ thông còn quan tâm đến các vấn đề xã hội nổi cộm đang gây tác động, ảnh hưởng đến tuổi áo trắng. Đó là các đề tài như rối loạn trầm cảm ở học sinh THPT của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tác động của Body Shaming - những khuyết điểm trên cơ thể không kiểm soát được của Trường THPT Trần Khai Nguyên…
Kết quả khảo sát tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở học sinh phổ thông của hai học sinh Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) và Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên văn) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không chỉ gióng hồi chuông cảnh báo về sức khỏe học đường mà còn khiến chúng ta phải giật mình. Theo Trang và Khương, để thực hiện đề tài này, hai em đã khảo sát 863 học sinh từ lớp 10 - 12 trên địa bàn TPHCM (cả khối chuyên và thường), đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm khá cao - 26,41%, với nhiều biểu hiện như chán ghét bản thân, cảm thấy buồn phiền, cảm giác thất bại mọi nơi, mất định hướng tương lai, thất vọng, không hứng thú với mọi việc... Trong đó, đáng lưu ý là học sinh khối chuyên có dấu hiệu này cao gấp gần 3 lần so với khối THPT thường. Đề cập đến hứng thú trong học tập, trên dưới 90% học sinh được hỏi đều cho rằng việc học tập, thi cử gây áp lực, thậm chí rất nặng nề. Từ thực trạng này, hai em cho rằng những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh trung học tại TPHCM rất cần được quan tâm và can thiệp kịp thời từ phía nhà trường cũng như gia đình.
Về đề tài “Body Shaming” (B.Sh), Minh Thư và Tú Thanh (Trường THPT Trần Khai Nguyên) cũng cảnh báo về vấn đề nhạy cảm, dễ bị kích động mà nhiều học sinh đang phải đối mặt vì bị “soi mói” cơ thể ở bất kỳ đâu. Từ thực trạng nghiên cứu, hai bạn mong muốn cung cấp một phần kiến thức cho các bạn trẻ về B.Sh và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân trước tác động của tệ nạn soi mói cơ thể này.
Tuy chỉ dừng ở những ý tưởng thai nghén hoặc mô hình nhỏ, nhưng ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của các em. Theo các chuyên gia giáo dục, trường học cần được đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại để mở rộng vườn ươm sáng tạo nghiên cứu KHKT cho học sinh.
| |
KHÁNH HÀ