Mơ và thực

Nhà hát của giấc mơ
Mơ và thực

Nếu việc cần hay không xây dựng một nhà hát có chất lượng tiêu chuẩn quốc tế nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối từ nghệ sĩ, nhà quản lý đến cả người dân TPHCM thì ngược lại, việc xây nhà hát tại đâu lại là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, dù hiện nay UBND TP đã có chủ trương xây nhà hát tại công viên 23-9 nhưng những bất đồng vẫn không giảm bớt. Để có được một cái nhìn toàn diện về vấn đề này, sáng 14-6, tại TPHCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Địa điểm xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc, vũ kịch” do Sở VH-TT-DL phối hợp cùng Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM tổ chức.

Dàn nhạc giao hưởng TPHCM vẫn đang chờ nhà hát. Ảnh: C.T.V.

Dàn nhạc giao hưởng TPHCM vẫn đang chờ nhà hát. Ảnh: C.T.V.

Nhà hát của giấc mơ

Về cơ bản, hiện nay có hai địa điểm được lựa chọn xây nhà hát là công viên 23-9 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những người ủng hộ xây nhà hát tại Thủ Thiêm cho rằng nơi đây có khuôn viên rộng rãi để nhà hát thực sự trở thành một nhà hát trong mơ, một biểu tượng văn hóa của TPHCM.

Tiêu biểu cho quan điểm này là ý kiến của KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam. Ông cho rằng, trong lịch sử, các nhà hát vốn được ưu tiên chọn mặt bằng đều được đặt ở trung tâm TP. Tuy nhiên, hiện nay các nhà hát có khuynh hướng dời ra một vị trí rộng rãi nhằm vừa đem đến một tầm nhìn khoáng đạt, vừa có thể phô diễn một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc.

Ví dụ như Nhà hát Opera Sydney của Australia nằm sát cảng Sydney, có được tầm nhìn rộng và trở thành biểu tượng của đất nước này. Trong khi đó, nếu đặt Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch tại công viên 23-9 thì hai bên và đằng sau bị giới hạn bởi các công trình kiến trúc lớn, chỉ còn một khoảng nhỏ phía trước. Chưa kể, do diện tích giới hạn (tổng diện tích sàn khoảng 15.000m²) việc xây dựng sân khấu cho các loại hình nghệ thuật khác như kịch, cải lương, âm nhạc hiện đại… sẽ bị giới hạn. Điều này sẽ không xảy ra nếu xây nhà hát tại Thủ Thiêm.

Tán đồng với quan điểm này là KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. Ông cho biết, theo quy hoạch, TPHCM sẽ có quy mô từ 13 - 14 triệu dân. Do đó, nếu xây một nhà hát biểu tượng của TP thì phải xứng tầm. Đó là chưa kể việc xây ở công viên sẽ dẫn đến phá hủy mảng xanh, vi phạm quy chế về bảo vệ cây xanh, làm mất đi một môi trường xanh vốn đã ít ỏi. Ngoài ra, rất cần một khuôn viên rộng bên ngoài là nơi để giảm bớt áp lực giao thông khi khán giả rời nhà hát. Thủ Thiêm hiện đã có hệ thống giao thông từ cầu, hầm, cầu đi bộ gắn liền với khu trung tâm, có không gian rộng rãi đáp ứng những sáng tạo về thiết kế xây dựng.

TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) ủng hộ phương án Thủ Thiêm dưới góc độ khác. Ông nêu thực trạng hiện nay người dân TP đang thiếu hụt nghiêm trọng môi trường vui chơi văn hóa. Nếu nghỉ lễ dài ngày, người dân có thể đi xa nhưng nghỉ cuối tuần hầu như chẳng có địa điểm nào đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thụ hưởng văn hóa của người dân. Trong lúc đó, khu Thủ Thiêm đã quy hoạch xong quần thể kiến trúc như rạp xiếc, bảo tàng, công viên lớn… nếu thêm nhà hát sẽ góp phần biến nơi đây thành một điểm đến lý tưởng của người dân cũng như du khách.

Nhà hát của hiện thực

KTS người Đức Torten Illgen, hiện là quản lý và KTS trưởng Công ty Inros Lackner Vietnam LLC (Tập đoàn Inros Lackner AG) bảo vệ ý kiến xây dựng nhà hát tại công viên 23-9. Ông cho biết, ở các đô thị hiện đại, khi xây dựng người ta thường chú ý đến “hành lang văn hóa”. Ở công viên 23-9, sẽ có “hành lang văn hóa” với một đầu là Nhà hát Thành phố hiện nay, xuôi đến chợ Bến Thành và dừng lại ở nhà hát hiện đại. Với quan điểm một khách du lịch nước ngoài, hành lang này sẽ tạo thành một không gian đi bộ độc đáo để du khách có thể dạo bước, trong khi Thủ Thiêm lại quá biệt lập.

Còn ở góc độ một KTS, ông cũng cho rằng xây ở công viên sẽ có nhiều phức tạp hơn ở Thủ Thiêm nhưng giải quyết về mặt kỹ thuật lại không phải quá khó. Với diện tích sàn 15.000m², hoàn toàn có thể bố trí một nhà hát giao hưởng đúng chuẩn cùng các sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác. Nhà hát xây dựng ở Thủ Thiêm có thể đẹp nhưng yếu tố tương tác xã hội sẽ không bằng ở 23-9.

Nhạc sĩ Vĩnh Lai, phản bác ý kiến “nhà hát trong mơ”. Theo ông, hiện nay tại TPHCM không có bất cứ nhà hát nào đạt tiêu chuẩn biểu diễn, ngay cả Nhà hát Thành phố hiện nay. Nhiều nơi như Nhà hát Bến Thành thực tế giống như một hội trường có bố trí sân khấu, âm thanh hơn là một nhà hát thực sự. Trong khi đó, như ở Singapore, nhà hát cũng gắn với công viên; ở Malaysia, nhà hát còn nằm trong tòa tháp đôi…

Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết sẽ tổng hợp toàn bộ các ý kiến để trình UBND TP. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, khi TP đang hết sức nghèo nàn nhà hát thì việc nhanh chóng xây dựng một nhà hát đúng nghĩa là rất cần thiết và đôi khi phải chấp nhận hy sinh một số yếu tố khác để nhà hát có thể sớm đi vào phục vụ người dân.

Năm 1999, nhà hát được TP dự kiến đặt tại vị trí Công ty Xổ số kiến thiết hiện nay (23 Lê Duẩn, quận 1). Đến 5-2009, UBND TP quyết định dời về công viên 23-9. Tuy nhiên, đến năm 2010 lại có một đề án mới được đưa ra với địa điểm xây dựng dự kiến sẽ là Thủ Thiêm. Đến tháng 3-2012, lại một lần nữa, UBND TP chấp thuận chủ trương quay về xây tại công viên 23-9.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục